Motorsport»Tin tức»Ô tô»Hướng dẫn kỹ năng lái xe lội nước an toàn và hiệu quả

Hướng dẫn kỹ năng lái xe lội nước an toàn và hiệu quả

16:58 - 14/05/2021

Mưa lớn, đường ngập là những cản trở tương đối lớn nếu như bạn chưa có nhiều kỹ năng để điều khiển xe trong điều kiện như thế này.

Nhiều tuyến đường bị ngập lụt trong những ngày mưa lớn gần đây khiến nhiều tài xế phân vân về khả năng lội nước của những “xế cưng” cũng như kỹ năng điều khiển xe của mình qua những đoạn đường khó khăn này. Để tránh những rủi ro không đáng có, bài viết dưới đây sẽ đem đến cho các tài xế một số kỹ năng cũng như lưu ý quan trọng, giúp bạn có thể điều khiển chiếc xe của mình qua những đoạn đường ngập lụt một cách dễ dàng.

Quan sát, phán đoán độ sâu

Đây là một trong những yêu cầu đầu tiên và căn bản nhất đối với tài xế nếu như muốn vượt qua quãng đường khó khăn này. Từ đó, các tài xế có thể xác định xem liệu “xế cưng” của mình có đủ khả năng để vượt qua những quãng đường ngập lụt không.

Mực nước an toàn thông thường sẽ ngang với tâm của bánh xe bởi ống hút gió của ô tô thường được thiết kế ở vị trí ngang với nắp ca-pô, nếu nước tràn vào sẽ khiến động cơ bị ngập dẫn đến chết máy. Thông thường, những chiếc ô tô sẽ có khoảng sáng gầm là 16 – 18 cm và xe 2 cầu có thiết kế gầm cao hơn từ 20 – 25 cm nên sẽ có lợi thế hơn khi lội nước.Tuy nhiên, khi gặp phải những phương tiện đi ngược chiều có thể khiến sóng nước cao hơn so với mức tiêu chuẩn, người lái sẽ cần chú ý để mực nước xuống thấp hơn một chút nhằm đảm bảo an toàn cho xế cưng.

Để có thể đưa ra phán đoán tốt nhất trong tình huống như thế này, người lái có thể chú ý vào các yếu tố cố định trên đường như vỉa hè, thân cây và cuối cùng là những phương tiện di chuyển phía trước, giúp các tài xế có thể dễ dàng xác định được đúng vấn đề, đồng thời giảm thiểu khả năng bị sụt hố bởi những ổ gà, ổ voi và cả những cống thoát nước bị mở nắp.

Ga đều, không thốc ga

Nguyên tắc tiếp theo khi lội nước cho ô tô chính là việc giữ đều chân ga, trái ngược với quan niệm chỉ cần tăng mạnh ga đi nhanh khi lội nước là sẽ qua. Đây chính là quan điểm sai lầm nhưng lại được nhiều tài xế tin theo và thực hiện. Việc thốc ga tua máy cao sẽ khiến gió bị hút mạnh hơn vào động cơ, điều này sẽ góp phần hút thêm cả nước.

Chưa kể, việc đi nhanh sẽ tạo sóng nước lớn ảnh hưởng đến phương tiện khác cũng đang di chuyển trên đường. Do vậy, khi vượt nước, người lái cần phải đi ở tốc độ vừa phải không quá chậm nhưng phải tránh nhanh, để số thấp và ga đều để ổng xả đẩy khí ra ngoài tránh bị ngập nước. Bên cạnh đó, người điều khiển ô tô có thể tắt các hệ thống điện như điều hòa, radio,… để động cơ đạt được công suất tối đa. Vòng tua máy ở mức 1.500 tới 2.000 vòng/phút được coi là ngưỡng an toàn khi điều khiển xe qua đoạn đường ngập lụt này.

“Quay đầu là bờ”

Một trong những cách “hay” và độc đáo nhất có thể giữ an toàn cho “xế cưng” của các tài xế đó chính là “Quay đầu là bờ” bởi trong nhiều trường hợp vũng nước quá sâu, đoạn đường bị ngập lụt nặng thì các tài xế tuyệt đối không được chủ quan, tự tin thái quá vào khả năng lội nước của mình.

Đặc biệt, nếu nhìn thấy nhiều người đi xe máy phải đi lên hoặc dừng lại trên vỉa hè, thì chắc chắn đây là một cung đường khó nhằn dành cho các tài xế. Thay vì cố đi tiếp, chúng ta nên quay đầu và lựa chọn những tuyến đường khác an toàn và đảm bảo hơn cho chiếc xe của mình.

Lưu ý sau khi lội nước

Nhiều tài xế sau khi lái xe qua những đoạn đường ngập lụt lại thường không để ý đến những vấn đề phát sinh sau đó, bởi vậy đã dẫn đến những trường hợp rủi ro không đáng có. Sau khi đánh xe thành công qua vùng nước ngập, người lái ô tô không nên tắt máy ngay mà tiếp tục vận hành thêm khoảng 5-10 phút bởi nước vẫn có thể tồn đọng trong xe của bạn và việc tiếp tục di chuyển sẽ giúp thoát nước, bốc hơi ra ngoài.

Khi kết thúc mùa mưa, chủ xe cũng nên mang xế cưng đi bảo dưỡng, thay dầu, bôi trơn lại ổ trục của xe để tránh hiện tượng nước ăn mòn và gây rỉ sét một số bộ phận của xe.

 

Link bài gốc
Theo Người Đưa Tin Copy Link