Bentley có thể không đạt kỷ lục doanh số năm thứ 4 liên tiếp vào 2023 nhưng khó có thể nói giai đoạn thành công nhất lịch sử hãng đã khép lại. Dù lượng xe bán ra thấp hơn, lợi nhuận Bentley thu về trên mỗi đầu xe lại cao hơn. Phân nhánh chuyên tùy biến Mulliner của họ đang tất bật ngày đêm cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Mulliner, dù đã gắn bó với Bentley trong nhiều thập kỷ, chỉ bắt đầu bắt tay vào mảng tùy biến xe cao cấp cho người dùng “phổ thông” của thương hiệu Anh từ 2014. Trong vòng 7 năm sau đó (tới 2021), họ tùy biến 1.000 dự án đặc biệt. Trong 2022, số lượng xe tùy biến do Mulliner đảm nhiệm bằng một phần 2 cả giai đoạn 7 năm trước (hơn 500). Tới 2023, con số trên tăng 43% lên hơn 700 dự án.
Chưa tính các dự án tùy biến dạng đặc biệt như trên, ngay cả xe thường Bentley cũng được tùy biến cực kỳ đáng kể. Với hơn 46 tỉ cách tùy biến tổng chỉ trong catalog tiêu chuẩn, người dùng có khả năng cá nhân hóa phương tiện của mình gần như không giới hạn.
Độ chịu chi của khách hàng Bentley được thể hiện rõ với số tiền họ bỏ ra để tùy biến xe. Theo cựu CEO Bentley Adrian Hallmark, dù doanh số hãng chỉ tăng vài ngàn xe so với thập niên 2000, lợi nhuận hãng đã tăng gấp 3 tới 4 lần.
Hơn 70% người dùng tùy biến xe có tùy chọn cao cấp từ Mulliner. Mỗi xe xuất xưởng có số tùy chọn gắn trên mình trị giá trung bình 43.000 USD/1,06 tỷ đồng – con số đủ để mua một chiếc Hyundai Ioniq 5 mới toanh. Trong khi đó, giá bán xe Bentley “gốc” vốn cũng đã không rẻ. Chẳng hạn, Bentley Bentayga EWB Azure có giá bán khởi điểm 20,965 tỷ đồng tại Việt Nam.
Dù vậy, hiện thực vẫn không phải toàn màu hồng với Bentley. Họ vừa mất CEO vào tay đối thủ Aston Martin. Thêm vào đó, kế hoạch ra mắt xe điện đầu tiên của hãng đã được lùi từ 2025 xuống 2026. Chưa dừng lại ở đó, hãng được dự đoán sẽ gặp khó tại Trung Quốc – thị trường lớn thứ 2 toàn cầu của Bentley sau châu Mỹ.
Việc thị trường này đang chuyển đổi cực nhanh sang xe điện khiến Bentley có thể thất thế trước các đối thủ quốc tế như Rolls-Royce lẫn nội địa như Hongqi.