Thị trường ô tô Việt Nam thời gian gần đây chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu xe đến từ Trung Quốc. Những cái tên như Wuling, Haval, BAIC, và BYD từng gây “sốt” khi mới ra mắt với các tuyên bố hoành tráng về công nghệ, doanh số và mức giá cạnh tranh. Tuy nhiên, sau những màn khởi đầu ồn ào, nhiều hãng xe đã gặp khó khăn trong việc chinh phục khách hàng Việt Nam.
1. Wuling Hongguang Mini EV: Từ “vua xe điện” đến cuộc chiến giảm giá,
Wuling Hongguang Mini EV – mẫu xe điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới (theo báo cáo của EV Volumes), với danh hiệu “vua xe điện cỡ nhỏ” suốt 4 năm liên tiếp, từng được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn khi xuất hiện tại Việt Nam. Được giới thiệu như một giải pháp ô tô điện giá rẻ, phù hợp với nhu cầu di chuyển ngắn trong đô thị, Wuling Hongguang Mini EV thu hút sự chú ý mạnh mẽ khi ra mắt. Tuy nhiên, khi mẫu xe này chính thức được ra mắt tại thị trường Việt Nam, sau vài tháng mở bán, số lượng xe lăn bánh trên đường phố Việt Nam rất ít ỏi, dù có những thời điểm mẫu xe này đã được giảm giá xuống còn 185 triệu VNĐ.
Một trong những vấn đề lớn của Wuling Hongguang Mini EV là phạm vi hoạt động khiêm tốn chỉ từ 120-170 km sau mỗi lần sạc đầy, cùng với việc thiếu các tính năng sạc nhanh. Mẫu xe này phụ thuộc hoàn toàn vào bộ sạc 1.5 kW cắm vào điện dân dụng 220V, khiến thời gian sạc kéo dài từ 6-9 tiếng, tạo ra bất tiện cho người dùng. Dù đã giảm giá và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, nhưng mẫu xe này vẫn chưa thực sự ghi điểm tại thị trường Việt Nam, khiến giấc mơ chinh phục người dùng trở nên xa vời.
Thêm vào đó, đối với TMT Motors, đơn vị phân phối Wuling Hongguang Mini EV tại thị trường Việt Nam, đã đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền sản xuất và hệ thống showroom thì chỉ sau một năm, tình hình kinh doanh đã trở nên vô cùng ảm đạm. Doanh số bán xe rất thấp, chỉ đạt 10,7% mục tiêu đặt ra trong năm 2023, buộc công ty phải giảm mạnh mục tiêu tiêu thụ cho năm 2024.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc bán hàng, TMT Motors còn chịu sức ép về tài chính do chi phí lãi vay tăng cao và phải giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho. Điều này đã khiến công ty ghi nhận mức lỗ sau thuế gần 100 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Với tình trạng thua lỗ kéo dài và mô hình kinh doanh xe điện chưa đem lại hiệu quả, TMT Motors đang đối diện với nguy cơ suy giảm tiềm lực tài chính nghiêm trọng.
2. Haval H6: Mẫu xe “vua doanh số” tại Trung Quốc nhưng mất hút tại Việt Nam dù giảm giá 300 triệu
Haval H6, một trong những mẫu xe SUV bán chạy nhất tại Trung Quốc, cũng từng là niềm hy vọng lớn khi đặt chân vào thị trường Việt Nam. Được quảng bá là mẫu xe hybrid hiện đại, tiên tiến, Haval H6 tự tin với danh xưng “vua doanh số” tại thị trường quê nhà và mang trong mình kỳ vọng sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ như Honda CR-V, Mazda CX-5. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, mẫu xe này đã gặp phải không ít khó khăn trong việc tạo dựng chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.
Ngay khi ra mắt, giá bán của Haval H6 gần 1,1 tỷ VNĐ đã tạo nên một cản trở lớn cho người tiêu dùng. Với mức giá này, mẫu xe của Haval phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nổi tiếng đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, những thương hiệu đã có chỗ đứng vững chắc trong tâm trí người Việt. Chưa kể, việc mua một mẫu xe Trung Quốc với mức giá cao như vậy khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy đắn đo về giá trị thực sự mà chiếc xe mang lại.
Chính vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, Haval H6 đã phải giảm giá mạnh tay để kích cầu. Mức giảm lên tới 300 triệu đồng, đưa giá bán về mức 850 triệu VNĐ – một con số hấp dẫn hơn nhiều so với giá bán ban đầu. Tuy nhiên, ngay cả khi đã giảm giá, doanh số của Haval H6 vẫn là dấu hỏi lớn khi gần như không thể bắt gặp mẫu xe này ngoài đường.
3. BAIC Beijing X7: Từ cơn sốt đến nỗi lo “bị bỏ rơi”
BAIC Beijing X7 là một trong những mẫu xe ô tô Trung Quốc gây ồn ào nhất khi mới ra mắt tại Việt Nam. Được truyền thông phóng đại với danh xưng “ông hoàng phong cách” hay “bà chúa thời trang”, và trên thực tế, Beijing X7 cũng đã thu hút sự chú ý đối với người tiêu dùng Việt Nam với thiết kế đẹp mắt, công nghệ hiện đại và giá bán hấp dẫn chỉ hơn 700 triệu đồng. Ngay sau khi ra mắt, đơn vị phân phối Beijing X7 tại Việt Nam – Công ty Kylin GX 668, tuyên bố đã bán được hơn 1.000 xe chỉ trong thời gian ngắn, tạo nên một cơn sốt vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, sau sự kiện ra mắt đầy hứa hẹn, thị trường nhanh chóng nhận thấy những dấu hiệu không bình thường. Thực tế số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy lượng xe BAIC được đăng ký thấp hơn nhiều so với con số công bố. Thêm vào đó, sự cố đáng lo ngại nhất là việc Công ty Kylin GX 668 ngừng hoạt động và đóng mã số thuế, khiến khách hàng mua Beijing X7 rơi vào tình trạng hoang mang về bảo hành và hậu mãi. Theo đó, người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam cảm thấy như bị bỏ rơi.
Nhiều người đã so sánh số phận của Beijing X7 với những mẫu xe Trung Quốc từng bị lãng quên trước đó như Zotye Z8. Sự thiếu vắng của đơn vị bảo hành, cùng với việc hệ thống phân phối bị ngừng trệ, đã khiến mẫu xe này trở thành một “canh bạc” rủi ro cho người tiêu dùng. Thực trạng này càng củng cố định kiến rằng các thương hiệu xe Trung Quốc khó có thể duy trì lâu dài tại thị trường Việt Nam.
4. BYD: Hô hào “số 1 thế giới” nhưng chưa thuyết phục tại Việt Nam
BYD – thương hiệu xe điện lớn nhất thế giới và tự hào là “số 1 thế giới” về doanh số xe điện, đã có màn ra mắt cực kỳ ấn tượng tại Việt Nam với những sự kiện trải nghiệm và lái thử xe rầm rộ. Từ “Tuần lễ BYD – Technology Green Future” vào tháng 6 đến buổi lễ ra mắt chính thức vào tháng 7, BYD đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Với dải sản phẩm đa dạng từ xe điện đến xe hybrid, hãng xe này đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng xuất hiện, BYD đang gặp phải không ít khó khăn trong việc xây dựng lòng tin với người dùng Việt. Hệ thống showroom chưa phát triển đúng tiến độ, nhiều đại lý mới chỉ ở giai đoạn cam kết mà chưa đi vào hoạt động – BYD tuyên bố sẽ mở rộng hệ thống phân phối với 36 đại lý, thực tế đến nay chỉ có 16 đại lý chính thức hoạt động. Số lượng xe có sẵn tại showroom rất hạn chế, dẫn đến việc người dùng phải chờ đợi lâu để nhận xe, đặc biệt là với mẫu BYD Seal.
Ngoài ra, vấn đề trạm sạc cũng đang là bài toán lớn với BYD. Hãng xe này không có kế hoạch phát triển hệ thống trạm sạc riêng, mà phụ thuộc vào các trạm sạc của bên thứ ba – điều này khiến việc sạc xe trở nên bất tiện, đặc biệt khi các trạm sạc ở Việt Nam còn hạn chế về số lượng và quy mô. Giá sạc điện cao, khó khăn trong khâu thanh toán, cùng với hạ tầng chưa phát triển đầy đủ đã khiến người dùng mất niềm tin vào cam kết “số 1 thế giới” của BYD.
Dù BYD vẫn liên tục nhắc đến mục tiêu bán 5.000 xe tại Việt Nam trong năm 2024, nhưng với những gì đang diễn ra, mục tiêu này dường như ngày càng xa vời.
Mặc dù từng gây nhiều ồn ào và kỳ vọng khi bước chân vào Việt Nam, nhưng các thương hiệu xe ô tô Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người tiêu dùng. Từ vấn đề về chất lượng, dịch vụ hậu mãi, đến sự chậm trễ trong phát triển hệ thống phân phối và hạ tầng sạc điện, nhưng các thương hiệu như Wuling, Haval, BAIC hay BYD vẫn đang phải đối diện với sự thờ ơ và thiếu niềm tin từ khách hàng Việt. Việc tạo dựng lại hình ảnh và xây dựng chiến lược phù hợp sẽ là thách thức lớn nếu họ muốn tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như Việt Nam.