Motorsport»Văn hóa xe»Giao thông»Chỉnh sửa Nghị định 100/2019, Bộ GTVT trình Chính phủ đề xuất tăng mức xử phạt với hành vi buôn bán, làm giả biển số ô tô

Chỉnh sửa Nghị định 100/2019, Bộ GTVT trình Chính phủ đề xuất tăng mức xử phạt với hành vi buôn bán, làm giả biển số ô tô

09:00 - 19/09/2021

Được biết, mức xử phạt mới được Bộ GTVT đề xuất sẽ cao gấp 10 lần so với mức xử phạt hiện hành, được quy định trong Nghị định 100/2019.

Với tình hình vi phạm giao thông và những vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn giao thông đang ngày càng có xu hướng gia tăng theo thời gian, Bộ GTVT mới đây đã trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều trong nghị định 100/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Một trong những vấn đề nổi cộm đó chính là việc nâng cao mức phạt cho hành vi làm biển giả trái pháp luật.

Được biết, thời điểm hiện tại biển số xe giả đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, khi khá nhiều vụ bắt gặp khi đang lưu thông trên đường giữa xe biển chính và xe biển giả. Đồng thời, việc mua bán “món hàng” này cũng được diễn ra khá dễ dàng và công khai, khiến cho cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý. Chính bởi vậy, việc nâng cao mức phạt đối với hành vi trái pháp luật này được đánh giá rất hợp lý, phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại.

Theo đó, mức phạt mới dành cho hành vi buôn bán, sản xuất biển số ô tô giả được Bộ GTVT đề xuất trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 sẽ dao động trong khoảng từ 10-12 triệu đồng với cá nhân và 20-24 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt cũ đang được áp dụng hiện hành là từ 1-2 triệu đồng với cá nhân và 2-4 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, mức phạt mới dành cho việc sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông đường bộ cũng được Bộ GTVT trình đề xuất sửa đổi, tăng lên thành 30-35 triệu đồng cho cá nhân và 60-70 triệu đồng đối với tổ chức.

Cũng theo Nghị định 100, ngoài việc bị phạt tiền do vi phạm, các cá nhân và tổ chức nói trên sẽ còn bị áp dụng những hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép. Ngoài ra, sẽ phải tiến hành bồi thường, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và bị bắt buộc phải nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do vi phạm.

 

Link bài gốc
Theo Người Đưa Tin Copy Link