Với phân khúc xe bán tải, Ford Ranger vẫn luôn là một biểu tượng và là sự lựa chọn hàng đầu cho bất cứ khách hàng nào. Điều đó được xây dựng bởi những tính năng, trang bị hiện đại, khối động cơ mạnh mẽ cùng khá nhiều điểm nhấn đến từ cả nội thất/ngoại thất. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Mazda BT-50 với bản nâng cấp hoàn toàn mới, liệu rằng Ford Ranger có thể tiếp tục giữ vững ưu thế này, hay Mazda BT-50 sẽ thay thế để trở thành người tiên phong? Bài viết sau đây sẽ phân tích các ưu nhược điểm để các độc giả có thể dễ dàng đánh giá và đưa ra lựa chọn phù hợp, với hai phiên bản được so sánh là Ford Ranger Wildtrack và Mazda BT-50 Premium.
Ngoại thất
Với thế hệ mới, Mazda BT-50 lại được phát triển dựa trên nền tảng của Isuzu D-Max nên sẽ sở hữu kích thước có phần nhỏ gọn hơn so với thế hệ cũ vốn được chia sẻ nền tảng cùng Ford Ranger trước đó. Chính bởi vậy, mẫu bán tải đến từ Mỹ sở hữu chiều dài và chiều cao lớn hơn lần lượt 82mm và 20mm so với Mazda BT-50. Tuy nhiên, mẫu bán tải của Nhật Bản lại sở hữu chiều rộng tốt hơn 10mm so với đối thủ.
Về thiết kế, Mazda BT-50 sở hữu ngôn ngữ KODO đặc trưng của Mazda, vốn được áp dụng với hầu hết các dòng sản phẩm của hãng, với điểm nhấn nổi bật đến từ lưới tản nhiệt cùng cụm đèn thanh mảnh. Bên cạnh đó, thiết kế của Mazda BT-50 vẫn sở hữu những nét bo tròn, mềm mại, mang đến vẻ trẻ trung, phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ tuổi cùng định hướng mẫu bán tải trong phố.
Trong khi đó, Ford Ranger lại sở hữu những nét cứng cáp, rắn chắc của một mẫu xe Mỹ, với những điểm nhấn sắc sảo bao quanh cả khu vực phía trước và sau của xe.
Trang bị trên hai mẫu xe khá tương đồng, đặc biệt là trên phiên bản cao cấp nhất là Ford Ranger Wildtrak và Mazda BT-50 Premium. Các trang bị có thể kể đến như đèn pha LED tự động, gạt mưa tự động, gương chiếu hậu chỉnh điện, gập điện và bộ mâm đúc hợp kim kích thước 18 inch.
Nội thất
Với kích thước chiều dài nhỉnh hơn, nên không gian cabin của Ford Ranger Wildtrak được đánh giá rộng rãi và thoải mái hơn hẳn so với Mazda BT-50 Premium. Tuy nhiên, các bố trí nội thất của cabin của hai mẫu xe lại có những sự khác nhau, bắt nguồn từ phong cách thiết kế vốn được áp dụng ở ngoại thất trước đó.
Với Ford Ranger, nội thất của xe vẫn tiếp tục được phát triển theo phong cách cơ bắp, nổi bật nhất chính là khu vực táp lô với bảng điều khiển trung tâm sở hữu những điểm nhấn vuông vức, chắc khỏe. Trong khi đó, Mazda BT-50 lại mang đến dáng vẻ hiền hòa, thực dụng hơn so với đối thủ. Các chi tiết trang trí nổi bật trên cả hai xe có thể kể đến như bọc da nội thất đi kèm với chỉ khâu tương phản, ốp nhựa, viền mạ chrome…
Về trang bị công nghệ, cả Ford Ranger Wildtrack và Mazda BT-50 Premium đều được cung cấp ghế và vô lăng bọc da tích hợp nút chức năng, màn hình cảm ứng, dàn âm thanh 6 loa, hệ thống điều hòa tự động và hàng ghế sau có thể gập. Riêng Mazda BT-50 cao cấp hơn đôi chút khi sở hữu ghế lái chỉnh điển 8 hướng và trang bị cổng sạc cho hàng ghế sau.
Trang bị động cơ và khả năng vận hành
Động cơ dường như là điểm yếu của Mazda BT-50 Premium khi mẫu bán tải này chỉ được cung cấp cỗ máy diesel 1.9L, sản sinh công suất 149 mã lực cùng mô-men xoắn 350Nm. Trong khi đó, Ford Ranger Wildtrack lại được trang bị cỗ máy diesel Bi-Turbo 2.0L, nhưng lại sản sinh công suất lên đến 213 mã lực và mô-men xoắn 500Nm, cao hơn khá nhiều so với Mazda BT-50.
Hệ dẫn động đi kèm trên cả 2 mẫu xe đều là dẫn động 2 cầu, nhưng Ford Ranger lại có ưu thế hơn hẳn khi được cung cấp hộp số tự động 10 cấp và hệ thống trợ lực lái điện. Trang bị này trên Mazda BT-50 Premium chỉ là hộp số tự động 6 cấp và trợ lái thủy lực.
Bên cạnh trang bị động cơ, cả 2 mẫu xe này đều được cung cấp khá nhiều tính năng an toàn hiện đại. Đối với Mazda BT-50, mẫu xe Nhật Bản sẽ nhỉnh hơn đối thủ với trang bị cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi và tính năng khởi động từ xa. Trong khi đó, Ford Ranger Wildtrack lại nổi bật với loạt tính năng hỗ trợ an toàn như cảnh báo lệch làn và duy trì làn đường, hỗ trợ đỗ xe tự động song song…
Kết luận
Mazda BT-50 hiện đang được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan với 4 phiên bản cùng mức giá bán từ 659-849 triệu đồng. Cùng với thiết kế trẻ trung và loạt trang bị công nghệ hiện đại, đây sẽ là cái tên thích hợp cho những khách hàng mong muốn sở hữu một chiếc bán tải đi trong đường phố, không quá quan trọng khả năng vận hành.
Còn với Ford Ranger, mẫu bán tải này mới được chuyển về lắp ráp 4 phiên bản tại Việt Nam cùng 1 phiên bản cao cấp Wildtrack được nhập khẩu từ Thái Lan. Mức giá cho xe tương đối dễ chịu khi dao động từ 616-925 triệu đồng. Bên cạnh đó là khả năng vận hành mạnh mẽ, khung gầm cao lớn với khả năng lội nước lên đến 800mm, đây sẽ là cái tên đắt giá cho những khách hàng yêu thích khả năng vận hành, thích hợp cho những chuyến hành trình off-road đầy khó khăn.