Với sự góp mặt của Mazda CX-3, phân khúc CUV hạng B vốn khá chật chội giờ đây sẽ càng bị thu hẹp hơn nữa. Điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các dòng sản phẩm để giữ vững doanh số, đồng thời nhận được sự quan tâm và tin tưởng nhất của khách hàng. Dựa trên sự nhìn nhận, Hyundai Kona và Mazda CX-3 dường như là hai mẫu xe sở hữu nhiều điểm tương đồng nhất trong phân khúc CUV hạng B này – từ kiểu dáng thiết kế cho đến trang bị bên trong. Bởi vậy, để có thể so sánh tốt hơn, bài viết dưới đây sẽ chỉ rõ những ưu, nhược điểm của 2 dòng xe này, dựa trên 2 phiên bản là Mazda CX-3 1.5L Premium và Hyundai Kona 2.0 Đặc Biệt.
Ngoại thất
Ở thông số kỹ thuật, Hyundai Kona tỏ ra nhỉnh hơn so với Mazda CX-3 khi sở hữu kích thước DxRxC lần lượt là là 4.165 x 1.800 x 1.565 (mm) với trục cơ sở 2.600 mm. Trong khi con số tương ứng của Mazda CX-3 chỉ là 4.275 x 1.765 x 1.535 (mm) cùng trục cơ sở 2.570 mm. Kết hợp với đó, khoảng sáng gầm 170mm của Hyundai Kona cũng nhỉnh hơn hẳn so với con số 160mm của Mazda CX-3, cho thấy mẫu xe Hàn Quốc sở hữu khả năng vận hành tốt hơn cùng không gian nội thất rộng rãi hơn.
Ở thiết kế, Mazda CX3 lại sở hữu phong cách thiết kế nhẹ nhàng, trẻ trung theo ngôn ngữ KODO quen thuộc, nổi bật là phần đầu xe sở hữu lưới tản nhiệt cỡ lớn, sử dụng các thanh ngang mạ chrome làm chi tiết trang trí, khá tương đồng với Mazda2. Kết nối với lưới tản nhiệt ở hai bên chính là cụm đèn LED, sở hữu thiết kế dạng thanh mảnh, nhỏ gọn nhưng không kém phần hiện đại khi được trang bị công nghệ bật/tắt tự động.
Trong khi đó, Hyundai Kona lại mang đến sự mạnh mẽ, rắn rỏi hơn với thiết kế đầu xe theo phong cách tách biệt với điểm nhấn chính là lưới tản nhiệt theo tạo hình Cascading. Không chỉ vậy, cụm đèn chiếu sáng lại được đặt thấp phía dưới, cũng được chia tách thành 3 khoang nhỏ hơn cũng là nét ấn tượng mà mẫu xe này dành cho khách hàng.
Hướng đến đuôi xe, Mazda lại mang đến cho CX 3 dáng vẻ khá tương đồng với những chiếc hatchback đang được bán tại thị trường Việt Nam. Trang bị đèn hậu cho xe là cặp đèn dạng elip, giúp cho tổng thể trở nên thanh thoát nhẹ nhàng hơn. Cùng với đó, cản sau được ốp bạc, với phần ống xả được bố trí hai bên tạo sự cân đối và dễ nhìn.
Tương tự Mazda CX-3, phần đuôi của Kona cũng nổi bật với cản sau được ốp bạc gia tăng sự cứng cáp, khỏe khoắn. Cùng với đó, cụm đèn hậu phía sau vẫn được thiết kế nhỏ gọn với trang bị công nghệ LED, trong khi cụm đèn phản quang được đặt thấp xuống phía sau để tạo điểm nhấn tương tự như phần đầu. Tất cả tạo nên nét thiết kế mạnh mẽ, thể thao, vốn là đặc trưng trong xu hướng phong cách mới của Hyundai.
Cả hai mẫu xe đều được trang bị bộ mâm kích thước 18inch với thiết kế mạnh mẽ, phù hợp với vóc dáng của một mẫu CUV hạng B.
Nội thất
Cùng chung điểm nhấn trong khoang nội thất của Mazda CX-3 và Hyundai Kona chính là tông nội thất tối màu, với màu đen được lấy làm chủ đạo. Tuy nhiên, Mazda CX-3 lại có một chút khác biệt khi được trang bị thêm phần da lộn màu ghi xám trên tapi cửa và táp lô, tạo ra những nét nổi bật riêng biệt so với đối thủ. Dù vậy, nhưng thiết kế của Mazda CX-3 lại có phần rời rạc, thiếu hấp dẫn hơn khá nhiều so với Hyundai Kona, nhất là khu vực bảng điều khiển trung tâm và táp lô xe.
Nếu như phần táp lô trên Konda được bố trí cân đối, hài hóa, thì Mazda CX-3 lại hơi thiếu thẩm mỹ khi kết hợp cùng lúc hai dạng cửa gió điều hòa khác nhau ở trung tâm, gây nên sự rối mắt và thiếu mỹ quan cho người dùng. Hơn thế nữa, cách bố trí các nút bấm ở khu vực trung tâm của Mazda CX-3 cũng thiếu khoa học, khi sử dụng khá nhiều nút xoay khác nhau, đồng thời cũng bố trí ở vị trí quanh cần số, gây khó khăn cho người sử dụng.
Trang bị vô lăng trên hai mẫu xe đều khá tương đồng với dạng 3 chấu, kết hợp với một loạt tính năng hỗ trợ người lái. Ẩn phía sau vô lăng là cụm đồng hồ hiển thị thông tin, gồm đồng hồ truyền thống và màn hình hiển thị thông số vận hành. Tuy nhiên, cách sắp xếp trên hai mẫu xe lại có sự khác biệt, khi Kona chỉ được trang bị một màn hình TFT ở chính giữa, thì Mazda CX-3 lại được cung cấp 2 màn hình nhỏ đặt đối xứng hai bên.
Về trang bị, bên cạnh những tính năng tương đồng như khởi động nút bấm, gương chiếu hậu chống chói, màn hình cảm ứng 7inch có khả năng kết nối bluetooth, hệ thống âm thanh 6 loa, đèn pha cùng gạt mưa tự động thì Mazda CX-3 còn được cung cấp thêm một số trang bị nổi trội khác như màn hình HUD, lẫy chuyển số sau vô lăng, phanh tay điện tử. Riêng Hyundai Kona nhỉnh hơn với trang bị cảnh báo áp suất lốp cùng sạc điện thoại không dây.
Trang bị động cơ và khả năng vận hành
Cung cấp sức mạnh cho Mazda CX-3 là động cơ xăng SkyActiv-G 1,5L cho công suất 110 mã lực và mô-men xoắn cực đại 144Nm. Còn Hyundai Kona được trang bị cỗ máy xăng Atkinson MPI 2.0L sản sinh công suất 149 mã lực và mô-men xoắn 180Nm. Cả hai đều được trang bị hộp số tự động 6 cấp. Ngoài sức mạnh vượt trội, Hyundai Kona còn tỏ ra ưu thế hơn trong vận hành khi được cung cấp 3 chế độ lái gồm Eco, Comfort và Sport, trong khi Mazda CX-3 chỉ được cung cấp 1 chế độ lái Sport.
Tuy nhiên, Mazda CX-3 lại được ghi điểm với nhiều trang bị an toàn hơn so với đối thủ, khi được cung cấp gói an toàn i-Activsense có cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo chệch làn đường, nhắc nhở tài xế tập trung.
Kết luận
Hiện Mazda CX-3 đang được chào bán với 3 phiên bản là Deluxe, Luxury và Premium, giá bán lần lượt là: 629, 669 và 709 triệu đồng. Trong khi đó, Hyundai Kona cũng có 3 tùy chọn cho khách hàng, lần lượt là 2.0AT tiêu chuẩn, 2.0 AT đặc biệt cùng 1.6 Turbo, với mức giá tương ứng là 636, 699 và 750 triệu đồng.
Như vậy, có thể thấy Mazda CX-3 đang là mẫu xe có ưu thế về giá hơn so với đối thủ. Đây sẽ là sự lựa chọn phù hợp đối với những khách hàng trẻ tuổi, chưa có sự dư dả về tài chính. Còn với Hyundai Kona, mẫu CUV hạng B của Hyundai sẽ là cái tên phù hợp dành cho những khách hàng ưa thích trải nghiệm và vận hành, cùng không gian nội thất rộng rãi, thoải mái.