Nếu là một người yêu ô tô, chắc hẳn bạn đọc đã không ít lần phải trầm trồ khi được xem các trường đoạn đuổi bắt của một số bộ phim tốc độ như Fast & Furious hay những video kỹ năng lái mà trong đó chiếc xe trượt dài qua góc cua với hướng đánh lái ngược chiều, để lại phía sau những quầng khói lốp cháy nghi ngút. Đó là drift – kỹ thuật lái được rất nhiều “tay nài” xe hơi luyện tập. Dù thường được cho là mang tính biểu diễn nhưng trên thực tế, drift lại xuất phát từ các giải đua Nhật Bản trong thập niên 70 của Thế kỷ XX, khi các tay đua cố gắng vượt qua khúc cua một cách nhanh nhất bằng những chiếc xe với lốp ít bám đường hơn ngày nay rất nhiều.
Khi những “người hùng” trên đường đua dùng kỹ thuật drift nhiều hơn, các tay đua đường phố tại Nhật cũng bắt chước theo bằng cách luyện tập trên những cung đường đèo trong đêm, để rồi dần trở thành cuộc thi tài. Những thước phim quay nghiệp dư từ các buổi luyện tập và đua xe trái phép này bằng camcorder đã dần được lan truyền, khiến drift càng trở nên nổi tiếng. Vào năm 1988, giải đua drift đầu tiên tại Nhật là D1 Grand Prix đã được tổ chức.
Sự chuyên nghiệp hoá drift cùng những ấn phẩm truyền thông từ Nhật đã dần lan truyền ra ngoài Thế giới trong thập niên 90 của Thế kỷ XX, dần đưa bộ môn này trở thành một thể thức đua xe chính chuyên như ngày nay. Tại Việt Nam, có lẽ bộ môn drift đã được nhiều người yêu xe biết đến nhiều nhất sau khi phần phim The Fast and the Furious: Tokyo Drift được công chiếu vào năm 2006.
Giống như nhiều nước trên Thế giới, các dân chơi Việt cũng từ đó bắt đầu mày mò luyện tập kỹ thuật drift với nhau, để rồi từ đó lập nên những câu lạc bộ, hội nhóm. Và một trong số những câu lạc bộ luyện tập chơi drift sớm nhất có thể kể tới là Hanoi Drift Club, với những “hạt giống” đầu tiên đã được gieo mầm từ cách đây khoảng 1 thập kỷ.
Trong 10 năm đó, nhiều thứ đã thay đổi. Hiện tại bộ môn drift đã được rất nhiều người yêu xe Việt Nam biết tới. Những người chơi xe vốn khởi đầu từ các dòng ô tô cầu sau Nhật cũ kỹ như Toyota Cressida nay đã có những lựa chọn từng một thời nằm ngoài tầm với như Hyundai Genesis, Toyota 86 hay BMW 3 Series. Việc chuẩn bị một chiếc xe drift cũng trở nên dễ dàng hơn nhiều với nhiều xưởng độ hay các cửa hàng phụ tùng. Và với sự thành lập của Hiệp hội ô tô thể thao Việt Nam vào đầu năm 2020, sớm hay muộn thì bộ môn này cũng sẽ được chuyên nghiệp hoá tại Việt Nam.
Nhưng đi suốt cả một chặng đường dài như vậy, Hanoi Drift Club vẫn luôn tham gia cuộc chơi như những ngày đầu tiên. Đến với cuộc chơi bằng niềm đam mê kỹ thuật drift, các thành viên vẫn đều đặn luyện tập cùng những chiếc xe vào mỗi cuối tuần tại những địa điểm nội bộ được kiểm soát, không phân biệt chủng loại hay thương hiệu xe ngoại trừ một số quy định nhằm đảm bảo an toàn (chẳng hạn như các loại SUV, bán tải gầm cao dễ bị lật). Và những buổi tập được diễn ra bất kể thời tiết: từ những ngày nóng như đổ lửa với nhiệt độ trong cabin xe có thể lên tới 50 độ, hay mưa tầm tã khiến mặt đường trơn như mỡ.
Dù điều kiện về phương tiện và tổ chức so với những ngày đầu hoạt động đã trở nên thuận lợi hơn nhiều cho các thành viên, nhưng không thể phủ nhận rằng đây vẫn là một thú chơi đắt đỏ. Bản thân việc sở hữu một chiếc xe dẫn động cầu sau để tập drift đã đòi hỏi người có thu nhập trung bình khá trở lên, chưa kể tới một số tiền lớn để độ lại máy, hệ thống treo, mâm và đặc biệt – những chiếc lốp sẽ bị cháy mòn chỉ sau vài buổi tập. Nhưng bất chấp những rào cản khó khăn, các thành viên Hanoi Drift Club vẫn kiên trì, bền bỉ duy trì niềm đam mê của mình.
Từ sân chơi Hanoi Drift Club, nhiều người đã trau dồi được kỹ năng lái xe cũng như “nghịch phá” xế cưng của mình để rồi từ đó tiếp tục phát triển, trở thành những vận động viên ô tô thể thao chuyên nghiệp hay thành lập các xưởng độ. Để rồi từ đó, họ lại góp phần tạo ra nền tảng vững chắc để tiếp tục xây dựng cộng đồng motorsport chuyên nghiệp tại Việt Nam ngày càng phát triển trong tương lai.