Motorsport»Tin tức»Ô tô»Đội ngũ của ông Trump muốn ngó lơ dữ liệu tai nạn giao thông

Đội ngũ của ông Trump muốn ngó lơ dữ liệu tai nạn giao thông

20:22 - 16/12/2024

Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đề xuất bỏ yêu cầu báo cáo tai nạn ôtô, điều mà Elon Musk và Tesla vẫn mong muốn.

Việc loại bỏ các yêu cầu báo cáo tai nạn ôtô có thể làm suy yếu khả năng điều tra và quản lý an toàn của các phương tiện có hệ thống lái tự động – công nghệ mà ngày càng nhiều hãng xe đầu tư phát triển, trong đó có Tesla.

Tuy nhiên, động thái này sẽ đặc biệt có lợi cho Tesla. Hãng đã báo cáo hơn 1.500 vụ tai nạn cho Cơ quan An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) theo chương trình này. Tesla cũng bị nhắm tới trong các cuộc điều tra của NHTSA, bao gồm ba cuộc điều tra xuất phát từ những dữ liệu trên.

Khuyến nghị hủy bỏ quy định báo cáo tai nạn đến từ nhóm chuyển giao được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược 100 ngày cho các chính sách ôtô. Nhóm gọi biện pháp này là yêu cầu “thu thập dữ liệu quá mức”.

Theo phân tích từ Reuters về dữ liệu tai nạn của NHTSA, Tesla liên quan đến 40 trong số 45 vụ tai nạn chết người được báo cáo cho NHTSA tính đến 15/10.

Một chiếc xe điện Tesla trang bị công nghệ hỗ trợ lái Autopilot gặp tai nạn ở California năm 2018. Ảnh: Reuters

Trong số các vụ tai nạn của Tesla được NHTSA điều tra theo quy định, một tai nạn chết người vào năm 2023 tại Virginia khi tài xế sử dụng tính năng Autopilot và đâm vào một xe đầu kéo, và một tai nạn khác tại California cùng năm khi một chiếc Tesla đang sử dụng chế độ tự lái đâm vào xe cứu hỏa, khiến tài xế tử vong và 4 lính cứu hỏa bị thương.

Theo NHTSA, việc thu thập dữ liệu rất quan trọng, nhằm đánh giá mức độ an toàn của các công nghệ lái xe tự động mới. Hai cựu nhân viên của cơ quan này cho biết, yêu cầu báo cáo tai nạn là yếu tố then chốt trong các cuộc điều tra về các tính năng hỗ trợ lái xe của Tesla, dẫn đến việc triệu hồi năm 2023. Họ cho rằng, nếu không có dữ liệu, NHTSA không thể dễ dàng phát hiện các trường hợp tai nạn nêu bật vấn đề an toàn.

NHTSA cho biết đã nhận và phân tích dữ liệu về hơn 2.700 tai nạn kể từ khi cơ quan này thiết lập quy tắc vào năm 2021. Dữ liệu ảnh hưởng đến 10 cuộc điều tra đối với 6 công ty, cũng như 9 lần triệu hồi an toàn liên quan đến 4 hãng khác nhau.

Trong một trường hợp, NHTSA đã phạt Cruise, startup tự lái thuộc General Motors (GM), 1,5 triệu USD vào tháng 9 vì không báo cáo một sự cố vào năm 2023 khi một phương tiện đâm và kéo lê một người đi bộ bị xe khác đâm trước đó. GM tuần này cho biết sẽ chấm dứt phát triển robotaxi tại Cruise và chuyển vào nhóm về công nghệ hỗ trợ lái xe.

Quy định chung của NHTSA yêu cầu các nhà sản xuất ôtô báo cáo tai nạn nếu công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến hoặc lái xe tự động được kích hoạt trong vòng 30 giây trước khi va chạm, cùng với các yếu tố khác.

Bên cạnh việc đề xuất bỏ quy định báo cáo tai nạn, các khuyến nghị còn kêu gọi chính quyền nới lỏng quy định về xe tự hành và ban hành quy định cơ bản để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này.

Trong cuộc họp báo cáo thu nhập Tesla tháng 10, Elon Musk đã kêu gọi một “quy trình phê duyệt liên bang cho các phương tiện tự hành” thay vì hệ thống luật pháp từng bang mà ông gọi là “vô cùng phiền hà”. Musk cho biết sẽ sử dụng vị trí của mình như một lãnh đạo hiệu quả của chính phủ, một chức vụ mà Trump đã hứa với ông, để thúc đẩy những thay đổi quy định như vậy.

Sau cuộc bầu cử, Trump đã chỉ định Musk đồng lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ. Ông Trump cho biết ban này không thuộc chính phủ, chịu trách nhiệm tham vấn cho những người ở Nhà Trắng về việc cải tổ các cơ quan liên bang.

Tesla là một trong những nhà sản xuất ôtô nổi bật nhất đang phát triển các tính năng hỗ trợ lái tiên tiến, có thể hỗ trợ thay đổi làn đường, tốc độ lái và điều khiển vô-lăng.

Các hệ thống của Tesla chưa hoàn toàn tự động và bị giám sát chặt chẽ trong các vụ kiện tụng và điều tra của Bộ Tư pháp nhằm xem xét liệu Tesla có phóng đại khả năng tự lái của phương tiện hay không, gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư và gây hại cho người dùng.

Tesla không ưa yêu cầu thông báo tai nạn vì tin rằng NHTSA trình bày dữ liệu theo cách gây hiểu lầm về mức độ an toàn của hãng xe này với người dùng.

Trong những năm gần đây, ban giám đốc của Tesla đã thảo luận với Musk về nhu cầu thúc đẩy loại bỏ yêu cầu báo cáo tai nạn. Nhưng các quan chức chính phủ hiện hành tỏ ra nhiệt tình với chương trình.

Tesla cho rằng các quy tắc không công bằng vì hãng tin rằng mình báo cáo dữ liệu tốt hơn so với các nhà sản xuất ôtô khác nên khiến Tesla trông giống như chịu trách nhiệm cho số lượng lớn vụ va chạm liên quan đến hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến.

NHTSA cảnh báo rằng dữ liệu không nên được sử dụng để so sánh mức độ an toàn giữa các nhà sản xuất vì các công ty khác nhau thu thập thông tin va chạm theo cách khác nhau.

Bryant Walker Smith, giáo sư luật Đại học South Carolina chuyên về lái xe tự động nói rằng Tesla thu thập dữ liệu va chạm thời gian thực mà các công ty khác không có và có thể báo cáo “tỷ lệ cao hơn nhiều về sự cố” so với các nhà sản xuất khác.

Tesla cũng có thể có tần suất va chạm cao hơn liên quan đến công nghệ hỗ trợ lái vì hãng có nhiều phương tiện trên đường trang bị công nghệ này hơn, và tài xế thường xuyên kích hoạt hệ thống hơn. Điều đó có nghĩa là phương tiện có thể thường xuyên gặp phải “các tình huống mà chúng không đủ khả năng xử lý”.

Link bài gốc
Theo Người Đưa Tin Copy Link