Đại diện phát ngôn của vị tỷ phú cho biết, việc rút VF 8 ra khỏi đội xe dịch vụ là bước đi tiếp theo, khi doanh nghiệp đã giúp người dùng tiếp cận dòng xe điện cao cấp thông qua dịch vụ Xanh SM Luxury. “VinFast VF 8 sẽ trở về định vị cốt lõi, hướng đến nhóm người dùng cao cấp”, đại diện phát ngôn của ông Phạm Nhật Vượng nói.
Theo đó, toàn bộ dàn xe VF 8 của Xanh SM sẽ chuyển nhượng cho FGF – công ty hoạt động trong lĩnh vực mua bán, cho thuê ôtô điện VinFast, để cung cấp dịch vụ cho thuê xe cá nhân, doanh nghiệp hoặc bán lẻ ra thị trường cho người có nhu cầu. Quá trình này sẽ diễn ra từ nay đến tháng 2/2025.
Trước đó, VinFast VF 8 là mẫu xe dùng cho dịch vụ taxi cao cấp của Xanh SM tại Việt Nam. Thời gian tới, taxi Xanh SM sẽ cung cấp 3 dịch vụ vận chuyển chính bằng ôtô điện gồm: Economy – tiết kiệm với dòng xe Mini Green; Standard – tiêu chuẩn với dòng xe 4 chỗ Hero Green và Premium – cao cấp với dòng xe Neo Green và 7 chỗ Limo Green. Các tài xế của GSM đang dùng VF 8 sẽ được bố trí sử dụng VinFast VF 5 hoặc VF e34.
Trong dải sản phẩm hiện tại của VinFast, VF 8 là mẫu xe cao cấp thứ hai sau VF 9, ra mắt phiên bản nâng cấp hồi tháng 7. Mẫu xe điện có thêm tùy chọn sơn 2 tông màu, tích hợp hệ thống Vivi 2.0 với trợ lý ảo AI tạo sinh. Xe trang bị 2 môtơ điện đặt ở hai cầu trước, sau với công suất 350 mã lực và phạm vi hoạt động 471 km mỗi lần sạc đầy. Trong khi bản Lux Plus có công suất 402 mã lực và phạm vi hoạt động 457 km mỗi lần sạc đầy.
VinFast bán ra VF 8 với hai phiên bản 8S Lux và Lux Plus, giá khởi điểm lần lượt 1,17 tỷ và 1,359 tỷ đồng, chưa bao gồm pin. Nếu kèm pin, giá tăng thêm 210 triệu đồng.