Bước vào giai đoạn cận Tết Nguyên Đán hàng năm, thị trường xe hơi luôn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng. Điều này cũng xảy ra tương tự với dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm nay, dù rằng thị trường trong giai đoạn vừa qua đã chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Ghi nhận trên thị trường thời điểm hiện tại, có thể điểm qua một số cái tên đang khan hàng do không đủ nguồn cung như: bộ đôi Ford Everest và Ranger hay cặp bài trùng của Toyota gồm Raize và Vios. Chẳng hạn Ford Ranger và Ford Everest đều đang cháy hàng do ảnh hưởng từ việc thiếu hụt phụ tùng và trang bị lắp ráp. Điều đó khiến cho thương hiệu xe hơi của Mỹ phải tiến hành tăng giá đối với 2 mẫu xe này trong thời gian vừa qua, với mức tăng từ 12 – 13 triệu đồng tùy phiên bản và dòng xe.
Tương tự, cặp bài trùng của Toyota là Vios và Raize cũng đang khan hàng do nhu cầu quá lớn của người dùng. Đối với Raize mới được ra mắt, nên xe chỉ được đưa về Việt Nam với số lượng khá hạn chế. Bởi vậy, có khá nhiều khách hàng đã tiến hành đặt cọc từ cuối năm ngoái nhưng có khả năng phải đến quý II/2022 mới có thể nhận xe. Hay như Toyota Vios là một trong những mẫu xe bán chạy của Toyota cũng nhận được khá đông đơn đặt hàng, khiến mẫu sedan hạng B này không thể có đủ xe để giao kịp cho khách hàng trong dịp cận Tết.
Tình trạng trên cũng ghi nhận với một số mẫu xe Hàn Quốc đang khá “hot” trên thị trường là Hyundai SantaFe và KIA Sonet, khi nhiều khách hàng cho biết không rõ đến bao giờ mới có thể nhận xe về nhà. Minh chứng cụ thể với SantaFe, khi mẫu xe này đang bị thiếu hụt khá nhiều tại các đại lý của Hyundai ở TP.HCM, dẫn đến các khách hàng khi đến đặt mua đều được hẹn chờ đợi từ 2-3 tuần mới có xe về đại lý. Riêng với khách hàng tiến hành đặt cọc ở thời điểm hiện tại thì việc nhận xe sẽ chỉ được diễn ra sau khi kì nghỉ Tết Nguyên Đán kết thúc. Tương tự là trường hợp của KIA Sonet khi mẫu xe này cũng không thể có đủ xe giao cho khách hàng trong dịp cận Tết. Thậm chí, có những khách hàng còn bị lùi thời gian giao hàng đến 4 lần, dù rằng đã tiến hành “xuống cọc” từ hồi giữa tháng 11 năm ngoái.
Mặc dù tình trạng khan hàng đang được ghi nhận ở khá nhiều các đại lý và thương hiệu, nhưng so với mặt bằng chung những năm trước, số lượng xe được đặt mua trong năm 2022 vẫn có sự giảm sút đáng kể. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 vừa qua, khiến cho nhiều khách hàng trở nên đắn đo trong việc chi tiền mua xe hay dành dụm để phục vụ việc chi tiêu lâu dài. Cùng với đó, tâm lý e ngại về sự quay trở lại của đại dịch Covid-19 cũng hiện hữu trong suy nghĩ của một số người kinh doanh dịch vụ, khiến họ không dám mạo hiểm để bỏ một số tiền lớn mua xe nhưng lại không thể sử dụng được.
Tuy nhiên, dù tình hình có ra sao thì năm 2022 vẫn là một năm được kỳ vọng đối với thị trường xe hơi Việt Nam, nhất là khi toàn xã hội đã bắt đầu chuyển mình để hội nhập với trạng thái bình thường mới.