Motorsport»Đánh giá & Tư vấn»Những suy nghĩ sai lầm của khách hàng khi nhận thông tin triệu hồi xe

Những suy nghĩ sai lầm của khách hàng khi nhận thông tin triệu hồi xe

10:08 - 16/03/2021

Một sự việc nếu không hiểu rõ ngọn ngành thì chúng hoàn toàn có thể bị biến tướng, thậm chí trở nên xấu xa hơn. Việc triệu hồi xe cũng vậy.

Từ lâu nay, khách hàng nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng đa số luôn cho rằng việc hãng xe bất ngờ ra thông báo triệu hồi xe là bởi có điều gì đó bất thường xảy ra.  Họ suy nghĩ một cách tiêu cực và cho rằng hãng đang lấp liếm điều gì đó. Tuy nhiên, cần hiểu rõ thế nào là triệu hồi xe và những lợi ích mà điều khoản này mang lại.

Triệu hồi xe nên được hiểu là việc các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện đối với ô tô có khuyết tật trong quá trình thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp đã được cung cấp ra ngoài thị trường, nhằm ngăn chặn những hiểm họa có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.

Trên thực tế, việc sản xuất và chế tạo phần lớn dựa trên lý thuyết. Tuy rằng trải qua nhiều bài test để chiếc xe có thể hoàn thiện nhưng không thể nào chắc chắn 100% rằng chiếc xe không có sự cố bởi nhiều lỗi chỉ có thể phát sinh trong quá trình sử dụng. Vì vậy, các hãng xe thường xuyên có động thái thu thập ý kiến khách hàng, chủ động rà soát hậu kiểm để sớm phát hiện những lỗi này từ đó thể hiện sự chuyên nghiệp trong chuỗi cung ứng và sản xuất.

Rất nhiều hãng xe nổi tiếng đã từng trải qua công cuộc này, kể đến như: Ford, Audi, Honda, Toyota. Nếu cho rằng cứ xe bị triệu hồi là xe kém chất lượng thì xe nào trên Thế giới cũng đều là xe “dỏm, kém chất lượng” cả.

Thực chất, không hãng xe nào mong muốn phải thực hiện chiến dịch triệu hồi cả bởi mỗi lần như vậy rất tốn kém cả về tiền bạc lẫn công sức, nhưng họ vẫn phải hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ. Tuy nhiên có những hãng sau nhiều lần triệu hồi thì doanh số của họ tăng lên đáng kể bởi niềm tin với khách hàng được củng cố hơn rất nhiều.

Nhiều người cho rằng hãng xe ít phải triệu hồi đồng nghĩa với việc đó là hãng xe tốt. Tuy nhiên ý kiến này chưa hẳn là đúng, nhiều trường hợp mặc dù doanh nghiệp đã phát hiện ra lỗi nhưng vì chi phí quá tốn kém mỗi đợt triệu hồi nên họ chọn cách âm thầm khắc phục thông qua những lần bảo dưỡng, bảo hành. Tới khi nhận được quá nhiều phản ánh hoặc bị sức ép từ tuyến trên thì họ mới bắt tay vào triệu hồi toàn bộ. Vì vậy một hãng xe ít bị triệu hồi không có nghĩa là sản phẩm từ hãng đó là tốt, chỉ là lỗi mới dừng ở mức nhỏ và vẫn có thể kiểm soát mà thôi.

Cũng một phần bởi suy nghĩ lệch lạc của đa số người sử dụng theo hướng tiêu cực, hễ thấy triệu hồi là lo ngại và cho rằng đó là những vấn đề nghiêm trọng, đánh giá sai chất lượng sản phẩm. Vì thế nhiều doanh nghiệp cố tình che giấu, xử lý âm thầm, né tránh vì lo ngại ảnh hưởng xấu tới thương hiệu.

Suy cho cùng, việc hãng xe triệu hồi lại sản phẩm thực chất là một việc tốt bởi hành động này chứng tỏ được sự chuyên nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm của họ. Đồng thời cải thiện hơn chất lượng sản phẩm sau mua mà người có lợi chính là khách hàng chứ không ai khác.

 

Link bài gốc
Theo Người Đưa Tin Copy Link