Motorsport»Tin tức»Ô tô»Sản xuất thừa, ôtô Trung Quốc tìm đường xuất khẩu

Sản xuất thừa, ôtô Trung Quốc tìm đường xuất khẩu

06:33 - 08/05/2024

Với 123 thương hiệu, ngành công nghiệp ôtô của quốc gia Đông Á có sản lượng khoảng 40 triệu xe mỗi năm, nhưng chỉ bán được khoảng 22 triệu xe.

Năm 2019, một hãng xe ít được biết đến là Zhido đã phá sản sau khi Trung Quốc xóa bỏ những chính sách hỗ trợ đối với các mẫu xe điện mini. Nhưng nay Zhido đã quay trở lại.

Đầu tháng 4, hãng ra mắt một chiếc xe điện mới cỡ nhỏ có kiểu dáng hình hộp, tên gọi Caihong – có nghĩa cầu vồng – với 7 màu sắc bắt mắt kèm mức giá khởi điểm chỉ khoảng 4.400 USD.

Sự tái sinh của Zhido diễn ra sau khi một số quỹ có sự hỗ trợ từ chính phủ cũng như hàng chục nhà đầu tư đổ tiền vào hãng từ cuối năm 2023, mặc cho thực tế rằng Trung Quốc có quá nhiều hãng xe vẫn đang hoạt động. Chính quyền địa phương cũng hân hoan với sự tái xuất của Zhido.

“Tôi hy vọng Zhido có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của ngành công nghiệp xe năng lượng mới”, người đứng đầu tỉnh Cam Túc phát biểu khi tới thăm nhà máy của hãng hồi tháng 3.

Trung Quốc từ lâu vốn thừa công suất trong ngành ôtô, với hơn 100 thương hiệu nội địa sản xuất ồ ạt, cung cấp số sản phẩm nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đến lúc này, chính phủ vẫn hỗ trợ Zhido cũng như nhiều công ty khác, khuyến khích các hãng xe không sinh lời tiếp tục sản xuất khi giới chức nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì việc làm và mở rộng vai trò của Trung Quốc trong ngành kinh doanh xe điện trên toàn cầu.

Những sự động viên này – có thể được thể hiện qua các hình thức hỗ trợ đối với các hãng xe – đang “nhồi” thêm ôtô ra thị trường dù cung vượt cầu.

Trung Quốc hiện có khả năng sản xuất khoảng 40 triệu xe mỗi năm, dù chỉ bán được khoảng 22 triệu xe tại thị trường nội địa, theo dữ liệu từ hãng tư vấn có trụ sở ở Thượng Hải, Automobility, cũng như dữ liệu từ Hiệp hội ôtô con Trung Quốc (CPCA).

Bối cảnh này dẫn đến cuộc chiến giá xe khốc liệt với Tesla cũng như các hãng khác tại Trung Quốc, khơi ngòi cho nỗi lo ngại ở Mỹ cũng như châu Âu rằng các hãng xe Trung Quốc có thể đẩy số xe không bán được sang các quốc gia khác.

Cung vượt cầu là một biểu hiện đặc biệt với dòng xe động cơ đốt trong – sản phẩm đang rơi ra khỏi sự ưu ái của người tiêu dùng Trung Quốc khi chuyển sang xe điện.

Nhưng cung vượt cầu cũng là một vấn đề với xe điện, khi quá nhiều hãng tranh giành thị phần. Trong 2023, có 123 thương hiệu với mỗi thương hiệu bán ít nhất một xe điện ở Trung Quốc, theo Stephen Dyer từ công ty tư vấn AlixPartners.

Washington lo rằng các hãng Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy số xe này sang Mỹ, mặc cho mức thuế cao đánh vào xe nhập khẩu. Còn châu Âu vào 2023 đã phát động cuộc điều tra chống trợ cấp xe điện Trung Quốc – động thái có thể tác động tới thuế nhập khẩu trong những tháng tới.

Xe xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gần 5 lần trong 3 năm qua, với khoảng 5 triệu xe trong 2023, một phần của những lo ngại từ Mỹ và châu Âu. Khoảng 75% số xe xuất khẩu cũng trong 2023 dùng động cơ đốt trong, với số lượng lớn đến Nga. Lượng xe điện từ Trung Quốc đi các thị trường khác cũng tăng.

Giới chức Trung Quốc nói rằng sự phê phán nhằm vào những chính sách của ngành công nghiệp ôtô nước này là không công bằng, và rằng ôtô Trung Quốc đã được cải thiện và mang lại giá trị tốt. Nước Mỹ cũng sử dụng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ để khuyến khích ngành công nghiệp xe điện, như thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) – vấn đề đã được Trung Quốc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tại triển lãm ôtô Bắc Kinh vừa kết thúc hôm 5/5, gần 300 mẫu xe điện và hybrid sạc điện được trưng bày. Trong số này, có mẫu sedan điện thể thao của Xiaomi – hãng sản xuất điện thoại thông minh nổi tiếng của Trung Quốc – với kế hoạch giao 100.000 xe trong năm nay.

Bắc Kinh từ lâu đã xác định xe điện là một ngành công nghiệp mà họ muốn thống trị, và các địa phương đều muốn hỗ trợ phát triển các hãng xe mới nhằm tạo ra việc làm.

Những chính sách hỗ trợ từ chính phủ gồm từ mức lãi suất cho vay thấp hơn thị trường, giảm giá thép và pin đối với các hãng xe, theo báo cáo hồi tháng 4 của Viện Kiel (Đức).

BYD – hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc – nhận khoảng 3,5 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ trong 2018-2022.

Tổng cộng, Trung Quốc đã chi khoảng 173 tỷ USD cho lĩnh vực xe năng lượng mới, gồm cả xe điện và hybrid sạc điện, trong 2009-2022, theo đánh giá mới nhất từ Scott Kennedy – nhà nghiên cứu chính sách kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ.

Mẫu xe điện mini Zhido Caihong với màu hồng bắt mắt. Ảnh: Zhido

Chỉ có 4 thương hiệu xe điện ở thị trường Trung Quốc bán được hơn 400.000 xe trong 2023. Đó là BYD, Tesla, Aion và Wuling.

Một số hãng xe điện đã biến mất khỏi ngành trong những năm gần đây, trong khi giới chức cũng từng nói về sự cần thiết của việc hợp nhất.

Trong tháng 3, Thủ tướng Lý Cường trình bày báo cáo công tác thường niên của chính phủ, rằng Trung Quốc muốn củng cố và nâng cao vị thế đi đầu trong các ngành công nghiệp gồm xe năng lượng mới.

Nhưng ông Lý cũng nhấn mạnh ý định của Bắc Kinh về việc duy trì đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng cao cấp, bằng việc nhắc lại cụm từ “các lực lượng sản xuất chất lượng mới”.

Hồi tháng 2, thành phố Trịnh Châu cam kết tạo điều kiện cho “các lực lượng sản xuất chất lượng mới” và trở thành “thành phố của xe năng lượng mới” với sản lượng hàng năm 700.000 xe.

Một tháng sau, một đơn vị thuộc nhà nước ở Trịnh Châu trở thành một phần của hãng Haima – hãng xe có gần 3.000 nhân viên và một nhà máy ở đây. Trong 3 tháng đầu năm nay, Haima bán gần 2.000 xe.

Thỏa thuận 5 năm mang lại cho Haima khoảng 27,5 triệu USD số tiền cần có. Haima nói sẽ tập trung thúc đẩy xuất khẩu ở những thị trường như Nga và Việt Nam để tăng trưởng doanh số.

Ở Việt Nam, sau lần đầu thâm nhập thị trường hơn chục năm trước nhưng không thành công, Haima quay lại trong năm 2023 và lần này có nhà phân phối mới. Hãng nhập khẩu 3 dòng xe gồm 8S, 7X và 7X-E.

Ảnh chụp ngày 10/1 cho thấy xe điện chờ được đưa lên tàu BYD Explorer No.1 tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: AFP

Tại Zhido, không khí chung rất hưng phấn khi hãng tái cấu trúc. Tại một sự kiện giữa tháng 4, nhà sáng lập Bao Wenguang đã giơ hai tay lên cao và hô lớn “Zhido cuối cùng cũng trở lại!”.

Ren Zhenhe, một quan chức địa phương ở Cam Túc đã tới thăm nhà máy, nói rằng kỳ vọng hãng xe đóng vai trò trong việc đề cao “các lực lượng sản xuất chất lượng mới”.

Trong thời gian 2014-2017, Zhido là một trong số các hãng xe điện bán chạy nhất Trung Quốc, đặc biệt với dòng xe mini. Khi đó, việc mua sắm các mẫu xe điện cỡ nhỏ như thế nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ.

Khi Bắc Kinh kết thúc những chính sách ưu đãi nhằm khuyết khích dòng xe điện hành trình dài hơn, bỏ lại Zhido với khoản nợ khoảng 250 triệu USD.

Sau khi tái cấu trúc – với sự tham gia của một đơn vị thuộc nhà nước và hãng xe Geely, Zhido giờ đây nhắm đến việc tăng gấp đôi doanh số hàng năm đến 2026 và ra mắt 16 mẫu xe mới đến hết 2028. Kế hoạch của hãng là tăng sản lượng tại nhà máy ở Cam Túc lên 300.000 xe mỗi năm và “chủ động nghiên cứu kinh doanh ở nước ngoài”.

 

Link bài gốc
Theo Người Đưa Tin Copy Link