Vào giữa tháng 9 này, tờ Bloomberg khẳng định Bắc Kinh đang khuyến khích các thương hiệu xe nước này không xuất khẩu công nghệ lõi.
Cụ thể hơn, các nhà máy của các hãng xe Trung Quốc đặt ở nước khác được khuyến khích chỉ lắp ráp các gói trang bị có sẵn (gửi đi từ Trung Quốc) thành xe hoàn chỉnh. Mọi linh kiện cốt lõi chủ chốt sẽ được sản xuất tại Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa công nghệ chế tạo chúng sẽ không bị rò rỉ.
Chỉ đạo trên diễn ra trong bối cảnh các hãng xe lớn Trung Quốc như BYD hay Chery chuẩn bị xây dựng hàng loạt nhà máy mới tại Tây Ban Nha, Thái Lan hay Hungary để giảm thuế và nhận nhiều ưu đãi địa phương khác.
Thông tin trên được một nguồn tin giấu tên chia sẻ với tờ báo Mỹ. Nguồn tin này cho biết chỉ đạo trên được truyền tải vào tháng 7 vừa qua trong một cuộc họp kín diễn ra giữa Bộ Thương mại Trung Quốc và các hãng xe nước này.
Khi đó, cơ quan trên đã khuyến khích các hãng… đừng đầu tư vào Ấn Độ để tránh rủi ro bị rò rỉ công nghệ xe điện – công nghệ hiện đang giúp xe Trung Quốc vươn mình ra tầm thế giới. Thêm vào đó, các hãng xe muốn đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên sẽ phải thông báo cho Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng các hãng xe “không nên mù quáng chạy theo xu hướng” và “đừng vội tin những lời kêu gọi đầu tư từ nước ngoài”. Nhiều nước đang kêu gọi các hãng xe Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy cũng là các nước muốn xây dựng hàng rào thuế quan chống xe Trung Quốc.
Tạm thời đại diện cả 2 bộ này đều không đưa ra bình luận về thông tin trên.
Ở thời điểm hiện tại, các hãng xe Trung Quốc đang muốn đẩy nhanh quy mô cũng như tiến độ xây dựng nhà máy ở nước ngoài để tham chiến nhiều khu vực hơn thay vì buộc phải lao mình vào cuộc chiến ngày một khốc liệt trong nội địa Trung Quốc.
Tuy nhiên, chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc có thể khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu mở rộng nói trên. Không ít quốc gia có quy định bắt buộc một số phần trăm tối thiểu xe phải được sản xuất tại đó. Nếu giữ hết công nghệ lõi trong nước, các hãng xe Trung Quốc có thể không đáp ứng được quy định trên khiến nhà máy không thể hoạt động.
Việc Trung Quốc muốn giữ công nghệ lõi của xe điện đang khiến họ gặp nhiều chỉ trích. Trước đây, Trung Quốc từng bắt buộc 100% các hãng xe quốc tế muốn kinh doanh trong lãnh thổ nước này phải thành lập liên doanh nội địa. Quy định này không chỉ giúp thúc đẩy đầu tư vào Trung Quốc mà còn giúp các hãng xe nước này tiếp cận không ít công nghệ xe hiện đại để học hỏi.
Do đó, việc Trung Quốc giờ lại muốn giữ lại các công nghệ của mình bị cho là hành động “phản bội”, hưởng lợi một chiều mà không muốn chia sẻ lại.