Thông tin tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập trung tâm đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe mang tên VinDT sử dụng toàn bộ xe thuần điện của VinFast khiến nhiều người cho rằng, đơn vị này có thể cấp một loại bằng lái riêng cho xe điện. Thực tế không phải như vậy.
VinDT cũng như tất cả các trung tâm đào tạo sát hạch khác, chỉ là nơi dạy lái và sát hạch với các hoạt động như dạy lý thuyết, sa hình, thực hành ngoài đường công cộng, học buồng lái mô phỏng… Điểm khác là nếu các trung tâm hiện nay sử dụng xe xăng, thì VinDT sử dụng xe điện.
Thẩm quyền sát hạch và cấp giấy phép lái xe vẫn là các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ Sở GTVT địa phương hoặc Tổng cục Đường bộ.
Với người học ở VinDT, vì sử dụng xe điện, tức số tự động, nên học viên chỉ có thể đăng ký thi bằng lái hạng B1 (số tự động không được quyền kinh doanh xe chở khách) nếu thi trong năm 2024. Sang 2025, khi tất cả các loại bằng cho xe con dưới 9 chỗ đều quy chung về hạng B (mới), thì người học ở VinDT có thể thi bằng B để kinh doanh vận tải.
Thực tế, VinDT mới thành lập, nên dự kiến khóa đầu tiên từ khoảng tháng 12, tức nếu thi cấp bằng sẽ từ 2025, do vậy người học có thể kinh doanh vận tải nếu đỗ bằng B. Khi đỗ bằng lái hạng B, người dùng có thể lái được tất cả các loại xe trong giới hạn của bằng này, dù động cơ đốt trong hay động cơ điện,
Như vậy, điểm khác biệt duy nhất của VinDT so với các trung tâm dạy lái hiện nay là sử dụng xe thuần điện. Với cách này, người dùng có thể làm quen với loại phương tiện mới, cách thức hoạt động, sử dụng, sạc… Nhờ đó, người lái sẽ không bỡ ngỡ nếu mua xe điện sau khi lấy bằng.
Ngoài ra, với việc những người chưa có bằng lái sớm tiếp cận với xe điện, hiểu biết về loại xe này tăng lên, từ đó cơ hội để tăng doanh số cho VinFast cũng như xe điện sẽ rộng mở hơn.