Sau vài tháng sụt giảm doanh số bán hàng, các hãng sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước dần đối mặt với khó khăn, kéo theo sản xuất bị ảnh hưởng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, nguồn thu ngân sách của nhiều địa phương trong dài hạn.
Với lý do này, mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Theo đó, các cơ quan này đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo VAMA, việc thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ trong nước đã khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp, lãi suất tăng dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cập tín dụng của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp đang phải gồng mình đối mặt với tình trạng lượng hàng tồn kho tăng cao do sức mua trên thị trường đột ngột giảm mạnh”, VAMA cho biết.
Theo báo cáo bán hàng tháng 1 của VAMA, doanh số bán hàng đã giảm mạnh giảm 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 51% so với tháng trước đó. “Suy giảm doanh số bán hàng những tháng trước thời điểm Tết Nguyên đán là những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ôtô Việt Nam.
Theo hiệp hội này, doanh số giảm mạnh nằm ngoài dự tính và lượng tồn kho tăng cao đã dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa. Áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp hiện tại rất căng thẳng.
Tương tự, trong văn bản kiến nghị, UBND tỉnh Ninh Bình cũng cho biết đối với Công ty CP Tập đoàn Thành Công – doanh nghiệp sản xuất ôtô trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất và tiêu thụ ôtô đã bị sụt giảm mạnh. Trong tháng 1, sản lượng tiêu thụ ôtô chỉ đạt 2.957 xe, giảm 4.939 xe (tương đương giảm khoảng 62,5%) so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 3.732 xe (giảm 55,8%) so với tháng trước.
Trong văn bản kiến nghị của mình, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng dẫn thực trạng việc doanh số thị trường ôtô sụt giảm mạnh kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành cơ khí cũng bị ảnh hưởng nặng.
Sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như: Gián đoạn sản xuất, đơn hàng bị sụt giảm đáng kể cũng như khó tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì nhịp sản xuất nhằm đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Lãnh đạo VAMI cho biết trước thực tế thị trường ôtô đang sụt giảm rất mạnh, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã đề ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi để kích cầu.
“Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ôtô tăng trưởng trở lại một cách bền vững”, hiệp hội lo ngại.
Trong khi đó, trong văn bản kiến nghị của mình, UBND tỉnh Quảng Nam dẫn lại bài học giai đoạn 2020-2022, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Khi đó, Chính phủ đã có biện pháp hỗ trợ rất nhanh chóng và đột phá. Đó là việc giảm thuế trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước.
Quảng Nam đề xuất Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, đột phá, kịp thời nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2023.
VAMA kiến nghị trong thời gian các hãng điều chỉnh kế hoạch sản xuất để tái cân bằng cung cầu, Chính phủ xem xét ban hành chính sách gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô, hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ cho xe đăng ký mới ngay trong đầu quý II.
Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng cho rằng cần bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ có tính đột phá như: Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo VAMI, trong giai đoạn 2020-2022, các chính sách hỗ trợ như giảm thuế trước bạ, gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đã mang lại hiệu quả rất tích cực giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước mở rộng quy mô đầu tư, nội địa hóa sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô và ngành cơ khí.
UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ xem xét tiếp trục triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường ôtô trong nước; gia tăng sản lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước; góp phần giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động.
Tỉnh này đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% trước bạ với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian thích hợp. UBND tỉnh Ninh Bình cũng gửi đề xuất tương tự và mong muốn chính sách sẽ góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trao đổi với Zing, các chuyên gia cũng cho rằng việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ôtô sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng, giúp kích cầu, đồng thời khuyến khích sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM (HAMEE), cho rằng hiện nay doanh nghiệp cơ khí gặp khó nhưng việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư không đơn giản, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất 2%. Hiện nay, gói hỗ trợ này cũng chậm giải ngân.
“Chưa kể, tiêu thụ ôtô sản xuất trong nước qua các năm liên tục trồi sụt. Nhu cầu tiêu dùng ôtô phụ thuộc rất nhiều yếu tố và có những biến động”, ông nói và cho rằng trong bối cảnh hiện nay Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ với ngành ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước.
Ông Tống cho hay nếu được giảm thuế trước bạ người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Vì vậy, cả người dân và doanh nghiệp đều mong muốn giảm càng lâu càng tốt, nhưng vấn đề là Chính phủ cần cân đối ngân sách để chọn giải pháp tốt nhất.