Khi xe điện bắt đầu đổ bộ vào làng xe toàn cầu, chúng thường dùng chung khung gầm với xe chạy động cơ đốt trong có sẵn. Do hạn chế về kỹ thuật khung gầm, xe điện không thể tận dụng hết được những ưu thế vốn của dòng xe này, chẳng hạn như cabin rộng (do không còn cần không gian cho khoang động cơ).
Nhận thấy hạn chế của cách làm trên, các hãng xe đua nhau phát triển khung gầm dành riêng cho xe điện. Trong những năm trở lại đây, phần lớn xe điện ra mắt thị trường thuộc dạng này.
Tuy nhiên, khi xe điện đang có dấu hiệu chững lại về tốc độ tăng trưởng, người dùng lại có xu thế… chuyển dịch ngược về xe xăng hoặc hybrid. Lúc này, thương hiệu nào đã lỡ điện hóa 100% sẽ trở tay không kịp và rất may yếu tố này chưa xảy ra.
Lúc này, các thương hiệu lớn lại nhận ra khung gầm họ cần phát triển không phải là khung gầm thuần điện mà là khung gầm hỗ trợ cả xe xăng và điện tốt nhất. Trên thị trường có những nền tảng hỗ trợ được cả xe xăng và điện nhưng có độ ưu việt chênh lệch (thường ưu tiên xe xăng hơn). Một nền tảng 50:50 cho xe xăng và điện cho phép mang lại độ linh hoạt cực lớn trong kinh doanh.
Stellantis – tập đoàn đa lục địa sáp nhập giữa Fiat Chrysler của Bắc Mỹ (Jeep, Alfa Romeo, Fiat, Maserati…) và PSA của châu Âu (Peugeot, Citroen, Opel…) – sở hữu một khung gầm như vậy là STLA. Ngay từ đầu, Stellantis đã nhắm tới mục tiêu một khung gầm linh hoạt để dễ thích ứng với sự thay đổi chóng mặt của người dùng toàn cầu.
Dù vẫn đặt mục tiêu điện hóa phần lớn xe (100% tại châu Âu, 50% tại Bắc Mỹ), Stellantis khẳng định luôn họ sẵn sàng “xăng hóa” một xe điện nào chạy khung gầm STLA nếu người dùng có nhu cầu mua.
Cách tiếp cận khác lạ này của Stellantis yêu cầu thời gian và chi phí phát triển khung gầm nhiều hơn nhưng bù lại có thể thu về “quả ngọt” sau này. Đây cũng là “phương án B” hợp lý cho các hãng xe có niềm tin vào xe điện nhưng tốc độ người dùng chuyển đổi sang dòng xe này chưa thực sự ưng ý.