Motorsport»Tin tức»Ô tô»Thái Lan – “Đất lành chim đậu” của nhiều hãng xe lớn thế giới

Thái Lan – “Đất lành chim đậu” của nhiều hãng xe lớn thế giới

21:14 - 13/05/2024

Nơi đây sở hữu lực lượng lao động lành nghề và thu hút thành công rất nhiều doanh nghiệp quốc tế.

Mỹ đang quyết tâm giới hạn vị thế của Trung Quốc sau khi nước này làm tràn ngập thị trường với các sản phẩm xe điện có giá chỉ 10.000 USD. Tuy nhiên, điều này vô hình chung khiến Tesla gặp áp lực bởi tương tự như Apple ở một số khía cạnh, Trung Quốc được coi là thị trường then chốt đối với cả nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của hãng. Tất cả đặt lên vai Elon Musk áp lực đáng kể trong việc mở rộng tăng trưởng, đồng thời vượt qua những thách thức về cạnh tranh ngày càng gia tăng trong chuỗi cung ứng.

Để giảm bớt sự phụ thuộc, gã khổng lồ xe điện có vẻ đang chú ý đến Thái Lan, thủ đô xe điện của Đông Nam Á, nơi những phương tiện di chuyển xanh đang thu hút được sự chú ý của đông đảo khách hàng. Phía quan chức chính phủ Thái Lan cũng đã mời chào đàm phán với Tesla khi Musk tìm kiếm địa điểm xây gigafactory tiếp theo.

Không còn nghi ngờ gì nữa, khu vực Đông Nam Á có tiềm năng cung cấp cho Tesla một lượng lớn khách hàng để đa dạng hóa, đồng thời thoát khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào châu Âu và Mỹ. Hãng cũng muốn có thêm một lựa chọn khác để sản xuất bên ngoài đại lục.

Thái Lan được mệnh danh là ‘Detroit của châu Á’, sở hữu lực lượng lao động lành nghề và thu hút thành công nhiều công ty ô tô quốc tế. Với cơ sở sản xuất tại đây, Tesla cũng có thể phục vụ toàn thị trường châu Á và xa hơn nữa, bắt chước quỹ đạo tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc.

Craig Irwin, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Roth Capital, cho biết: “Thái Lan là sự lựa chọn khả thi giúp hãng sản xuất với chi phí thấp. Nước này cho phép tiếp cận liên tục chuỗi cung ứng hỗ trợ cơ sở ở Thượng Hải song không bị Bắc Kinh quản lý”.

Được biết chính phủ Thái Lan đã đưa ra nhiều khoản trợ cấp và ưu đãi thuế để thúc đẩy áp dụng xe điện và thu hút các nhà sản xuất nước ngoài. Seth Goldstein, chiến lược gia cổ phiếu tại Morningstar, nói: “Việc xuất khẩu xe từ Thái Lan sang các thị trường như Mỹ hay EU sẽ ít tác động chính trị hơn so với Trung Quốc”.

Cũng theo ông Goldstein, xe sản xuất tại Thái Lan có thể không đủ điều kiện nhận trợ cấp theo Đạo luật Giảm lạm phát, song chúng ít có khả năng phải đối mặt với mức thuế cao như Trung Quốc phải chịu.

Trước đó, Tesla cho ra mắt Model 3 và Model Y tại Thái Lan vào năm 2022, song phải vật lộn với đối thủ BYD và Xiaomi từ đại lục. Trên thực tế, BYD đã sản xuất hơn 3 triệu xe điện vào năm 2023, vượt qua sản lượng của Tesla trong năm thứ hai liên tiếp.

Báo cáo gần đây từ Nikkei Asia chỉ ra rằng giá sedan Model 3 của Tesla đã giảm từ 9% đến 18% ở Thái Lan do thị trường ô tô nước này bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái toàn cầu. Theo Naruedom Mujilinkool tại Krungsri Securities, cuộc chiến giá cả sẽ không kết thúc sớm.

Theo Steven Dyer, đại diện công ty tư vấn AlixPartners có trụ sở tại Thượng Hải, cơ sở hạ tầng ô tô, lực lượng lao động và chính sách hiện có của Thái Lan đều sở hữu tiềm năng đưa nước này trở thành thị trường lớn trong lĩnh vực sản xuất xe điện. Điều quan trọng là các nhà sản xuất ô tô đã nhìn ra thị trường tiêu dùng cho nguồn cung sản xuất trong nước.

Đông Nam Á là thị trường ô tô đang phát triển, trong đó, Thái Lan là nơi sản xuất và xuất khẩu xe hơi lớn nhất khu vực. Cả Toyota, Honda, Nissan, Ford, GM và Mercedes-Benz đều đặt trụ sở chính tại đây.

Theo CNBC, Thái Lan đang phấn đấu trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu toàn cầu thông qua các ưu đãi về thuế. Đến năm 2030, nước này đặt mục tiêu chuyển đổi 30% sản lượng ô tô xăng sang xe điện. Hiện Honda và Toyota đều đã cam kết đầu tư 4,1 tỷ USD để sản xuất xe điện ở Thái Lan.

Đổi lại, chính phủ Thái Lan đưa ra nhiều ưu đãi đáng kể cho các nhà sản xuất xe điện nước ngoài, bao gồm cắt giảm tới 40% thuế nhập khẩu và giảm thuế suất tiêu thụ đặc biệt 2% đối với xe điện lắp ráp hoàn chỉnh nhập khẩu vào năm 2024 và 2025, với điều kiện họ bắt đầu sản xuất tại Thái Lan vào năm 2027, theo Narit Therdsteerasukdi, Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan. Việc Thái Lan phát hiện ra gần 15 triệu tấn trữ lượng lithium được coi là chìa khóa giúp nước này có một lợi thế đặc biệt.

“Nếu Thái Lan trở thành một thị trường nơi xe điện hoặc linh kiện có thể được sản xuất với giá rẻ và xuất khẩu tự do, nhiều nhà sản xuất xe điện lớn hơn sẽ xem xét xây dựng hoạt động tại quốc gia này”, chuyên gia Goldstein nói.

Một quốc gia được mệnh danh là ‘Detroit châu Á’: Elon Musk muốn làm xe điện giá rẻ sẽ phải dựa dẫm, từ Toyota, Honda đến GM, Mercedes-Benz đều tới đặt trụ sở- Ảnh 1.

Theo SCMP, Đông Nam Á hiện đang thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực xe điện, trong đó, Thái Lan là điểm đến yêu thích nhất. Doanh số bán hàng trong nước tăng nhanh, song nhìn chung chỉ giới hạn ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu thành thị.

Theo dữ liệu từ Counterpoint, nhu cầu xe điện ở Đông Nam Á đã tăng mạnh trong quý II năm 2023, với tổng doanh số tăng 894% so với cùng kỳ năm trước. Động lực phần lớn đến từ những người tiêu dùng trên khắp Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Theo Bangkok Post, Ủy ban chính sách xe điện quốc gia Thái Lan đặt mục tiêu tham vọng đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm 50% số phương tiện sản xuất trong nước, qua đó góp phần đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các khu vực khác, Đông Nam Á vẫn tụt hậu so với các khu vực vốn được chính phủ chi hàng tỷ USD xây dựng hệ sinh thái cần thiết để chuyển đổi. “Khó khăn duy nhất là phạm vi di chuyển. Nếu xe sắp hết pin, bạn phải sạc và không thể xuất phát ngay lập tức. Phải mất ít nhất nửa giờ để sạc”, Sathapat Paethong nói.

Theo Tham Siew Yean, nhà kinh tế học kiêm thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak Singapore, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng sạc điện lý giải được vì sao tốc độ tăng trưởng của thị trường xe điện trong khu vực lại chậm hơn so phần còn lại của thế giới. “Tôi nghĩ sẽ mất nhiều thời gian để nhu cầu cải thiện”, bà nói.

“Nếu chúng ta nhìn vào thị trường ô tô, Đông Nam Á hiện chiếm khoảng 5% doanh số bán và sản xuất ô tô toàn cầu”, Putra Adhiguna, chuyên gia năng lượng của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), cho biết. “Tốc độ tiêu thụ xe điện khá chậm so với các khu vực khác như Mỹ và EU”.

Dẫu vậy, trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, Đông Nam Á với hơn 690 triệu dân sẽ mở ra nhiều cơ hội.

“Tốc độ chuyển đổi sang xe điện ở Đông Nam Á phụ thuộc vào kế hoạch của nhà sản xuất, chính sách chính phủ và thái độ người tiêu dùng”, Abhilash Gupta, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Counterpoint Research, cho biết.

Theo: CNBC, SCMP

Link bài gốc
Theo Người Đưa Tin Copy Link