Với những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 gây ra chuỗi đứt gãy sản xuất linh kiện trên toàn cầu, không ngạc nhiên khi ở thời điểm hiện tại, việc sản xuất xe hơi tại Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới bị lâm vào tình cảnh khó khăn. Điều này khiến cho một lượng lớn các đơn đặt hàng bị ứ đọng, khiến cho nhiều khách hàng không thể nhận được xe, hoặc có nhận cũng phải chờ cả thời gian dài. Chẳng hạn như với VinFast, thương hiệu này mới chỉ bàn giao được vỏn vẹn 40 xe cho khách hàng trong tháng 1/2022, dù rằng mục tiêu đề ra ban đầu lên tới 2.000 chiếc.
Tuy nhiên, nhiều khả năng việc giao xe chậm cho khách hàng cũng là một giải pháp tình thế được áp dụng nhằm giảm tải và kéo giãn tình thế tạm thời trước mắt. Chẳng hạn như với KIA, đơn vị này hiện đang gặp khó khi số lượng đơn đặt hàng các mẫu xe như KIA Sonet, KIA Seltos và cả KIA Carnival hiện đang tồn dư khá nhiều, không đủ xe để trả cho khách. Điều này khiến cho các khách hàng phải chờ đợi khoảng thời gian dài để có thể nhận xe, thậm chí có người phải sang tháng 4 hoặc đầu tháng 5 mới nhận được xế cưng của mình. Vấn đề này khiến cho nhiều khách hàng băn khoăn, khi nhiều khả năng sẽ không kịp nhận xe để đem đi nộp thuế và hưởng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ.
Tương tự với trường hợp của KIA, Hyundai hiện cũng đang gặp khó trong việc sản xuất và bàn giao xe cho khách hàng. Bởi trong tháng 1 vừa qua, thương hiệu này chỉ bàn giao được tổng cộng 1.093 xe, bằng khoảng 50% lượng xe bán ra hồi tháng 12 trước đó. Còn trong thời điểm hiện tại, việc thiếu xe kéo dài, khiến cho một số đại lý của Hyundai phải tạm ngừng việc ký hợp đồng mua bán mẫu SantaFe với khách hàng, do chưa thể chắc chắn được thời điểm xe về để bàn giao cho khách.
Theo tìm hiểu, việc thiếu hụt các chi tiết linh kiện và phụ tùng ô tô tại Việt Nam hiện đang xảy ra tương đối trầm trọng, nhất là trong bối cảnh xung đột giữa Nga – Ukraine đang tăng cao như thời điểm hiện tại. Điều này khiến cho việc cung cấp linh kiện từ các nhà máy sản xuất tại nước ngoài gặp khó khăn, thậm chí một số nơi còn phải đóng cửa và phong tỏa do lệnh trừng phạt và phong tỏa một số tuyến thương mại đến và đi từ Nga.
Trong khi đó, đây lại đang là nguồn hàng chủ lực cho việc sản xuất của các nhà máy ô tô trong nước. Theo số liệu được chia sẻ từ Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu nhóm hàng linh kiện & phụ tùng ô tô đạt 4,92 tỷ USD, tăng 22,9%, tương ứng tăng 916 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ riêng tháng 1/2022 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu tới 395 triệu USD linh kiện & phụ tùng ô tô các loại, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn về linh kiện, phụ tùng của các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đối với chuỗi cung ứng linh, phụ kiện toàn cầu.