Bước sang năm mới 2022, cả đất nước đã nhanh chóng nhập cuộc với những thay đổi mới, nhằm thích nghi dần với cuộc sống mới. Điều này đã dẫn đến một số chính sách được thay đổi để thay thế cho những quy định đã không còn phù hợp. Trong đó phải kể đến một số những quy định và chính sách được áp dụng cho giao thông – vận tải. Việc thực hiện các quy định này được chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2022.
Phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera hành trình
Đây là một trong những thay đổi đáng chú ý trong lĩnh vực giao thông – vận tải so với trước đây. Kể từ ngày 1/1/2022, việc xử phạt không lắp camera hành trình sẽ chính thức được áp dụng, với mức phạt dao động từ 1 – 2 triệu đồng (theo điểm p khoản 5 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Được biết, việc áp dụng sẽ được thực hiện theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: “Trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.”
Xử phạt xe kinh doanh không đổi sang biển vàng
Việc đổi màu biển sang vàng đối với những xe kinh doanh vận tải là một trong những lưu ý quan trọng giúp kiểm soát dễ dàng các phương tiện giao thông trên đường, cũng như tạo ra sự phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân. Chính bởi vậy, khoản 2 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA đã quy định: “Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày Thông tư này có hiệu lực, thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021.”
Nếu như các chủ phương tiện kinh doanh vận tải không chấp hành, sẽ phải chịu mức phạt theo điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: với số tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức.
Tăng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm giao thông
Ngoài việc áp dụng mức xử phạt mới thì việc tăng mức phạt tiền dành cho các hành vi vi phạm giao thông cũng là một điểm thay đổi đáng chú ý trong năm 2022 này. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đã được nâng lên thành 75 triệu đồng, tăng đến 35 triệu đồng so với mức phạt cao nhất trước đây.
Không chỉ vậy, một số mức phạt khác cũng được điều chỉnh tăng gấp đôi so với trước. Chẳng hạn, mức phạt dành cho hành vi không đội mũ bảo hiểm với người đi mô-tô, xe máy sẽ được tăng lên thành 400.000 – 600.000 đồng so với mức phạt 200.000-300.000 đồng như trước đây.
Cùng với đó, mức phạt đối với hành vi điều khiển xe ô tô không gắn đủ biển số, biển số gắn không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển cũng được tăng lên gấp 6 lần so với hiện tại. Mức phạt mới sau sửa đổi dao động từ 4 – 6 triệu đồng.
Sử dụng thiết bị giám sát học viên học lái xe ô tô trên đường
Theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT có nêu: “Cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31/12/2021; trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1/1/2022; trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1/7/2022.“
Như vậy, kể từ 1/1/2022, các học viên học lá xe sẽ được quản lý kỹ hơn bởi bởi thiết bị giám sát được đặt trong xe. Điều này vừa giúp nâng cao thực chất trong việc dạy và học, đồng thời giúp giảm thiểu những tiêu cực đã tồn tại khá lâu trước đây.
Giảm phí sử dụng đường bộ cho ô tô
Có thể coi đây chính là thay đổi tích cực nhất cho người sử dụng xe ô tô trong năm 2022, khi Bộ Tài chính đã chính thức đưa ra quyết định giảm 34 khoản phí, lệ phí đã được điều chỉnh vào cuối năm 2021 thêm 6 tháng, từ ngày 1/1 – 30/6/2022. Việc áp dụng được quy định cụ thể trong thông tư 120/2021/TT-BTC.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ cho các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, bao gồm ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng, của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải. Ngoài ra, mức phí sử dụng đường bộ cho xe tải, ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo cũng sẽ giảm 10%.
Đối với việc cấp lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, Bộ Tài chính cũng quy định mức thu mới sẽ được giảm 50% so với mức áp dụng trước đây. Theo đó, chi phí cấp giấy chứng nhận cho xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương) chỉ còn 50.000 đồng. Trong khi đó, mức thu với xe máy, xe cơ giới sẽ giảm xuống chỉ còn 25.000 đồng.