Sau một thời gian sử dụng thì tất cả các bộ phận trên chiếc xe ô tô đều sẽ xuống cấp, lão hóa. Tuy nhiên, mức độ hỏng của những bộ phận dưới đây lại dễ xảy ra hơn cả.
Bánh xe
Bánh xe là chi tiết ít được để ý nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác lái của xe. Bộ phận này bao gồm lốp và la-zăng, chúng đều có thể bị hư hỏng vì những pha xử lý không cẩn thận của tài xế, ví dụ như leo chéo vỉa hè, chạy qua ổ gà ở tốc độ cao, hoặc đỗ xe không cẩn thận khiến cho lốp bị cà vỉa… Hậu quả có thể dẫn đến việc rách hoặc nổ lốp do gặp phải áp lực lớn, đây là một điều vô cùng nguy hiểm khi lưu thông trên đường. Những cú va chạm mạnh có thể làm méo la-zăng khiến xe bị rung trong quá trình di chuyển.
Vậy, với bộ phận này thì cần chú ý những gì? Thông thường, sau mỗi 10.000 km, người dùng nên đảo lốp một lần, kiểm tra và cân chỉnh. Đồng thời, cần phải chú ý thêm nhiều điều khác, đặc biệt ở hoa lốp và chất lượng của cao su.
Trong trường hợp xe chạy khoảng 20.000 – 25.000 km/năm (tương đương với khoảng 40 – 50 km/ngày), hoa lốp thường sẽ mòn trước khi chất lượng cao su bị thoái hóa. Nếu như xe ít sử dụng (khoảng 10.000 km/năm), chất lượng cao su sẽ thoái hóa trước khi hoa lốp bị mòn. Hoa lốp mòn sẽ ảnh hưởng đến độ bám đường và khả năng điều khiển của xe. Trong khi đó, nếu cao su bị thoái hóa trước, lốp sẽ có nguy cơ nổ khi phanh gấp hoặc ôm cua ở tốc độ cao.
Đèn chiếu sáng trên ô tô
Đèn chiếu sáng trên ô tô hiện nay khá đa dạng, đây còn được tính là trang bị đặc quyền lắp cho các phiên bản cao cấp hơn. Thông thường, tuổi thọ của đèn halogen rơi vào khoảng 450 – 1.000 giờ chiếu sáng ở điều kiện di chuyển bình thường. Các loại bóng khác như HID, xenon có tuổi thọ có thể đạt gấp đôi bóng halogen và đèn LED thậm chí còn có tuổi thọ cao hơn nữa.
Do đó, người dùng ô tô hay có thói quen độ lại bóng để tăng khả năng chiếu sáng cũng như đẩy tính thẩm mỹ lên cao hơn. Tuy nhiên, nếu hiệu điện thế của bóng không phù hợp với hiệu điện thế của ắc quy thì bóng sẽ nhanh cháy hơn, thậm chí có thể hỏng bất ngờ.
Trong trường hợp cháy bóng bên phía ghế lái, hãy chuyển bóng sáng còn lại sang để tăng khả năng quan sát khi di chuyển vào ban đêm và đồng thời giúp cho xe đối diện dễ chú ý tới bạn hơn. Khi di chuyển buổi tối, hãy tránh xa các đốm đen trên đường bởi đó có thể là những ổ gà và việc xóc nảy có thể khiến bóng đèn nhanh hỏng hơn. Bạn nên có một bóng đèn dự phòng để chuẩn bị sẵn cho những trường hợp cần thay thế gấp.
Cần gạt mưa
Cần gạt mưa có thể bị hỏng hoặc giảm khả năng hoạt động chỉ sau 2 năm nếu xe thường xuyên bị phơi dưới trời nắng gắt, dẫn đến việc gạt không sạch nước, gạt bị vấp hoặc phát ra tiếng kêu khi hoạt động. Để sử dụng cần gạt mưa hiệu quả và đảm bảo tuổi thọ bền lâu hơn, bạn không nên bật cần gạt mưa khi kính khô bởi lưới gạt mưa khi di chuyển trên kính lái sẽ tạo ra ma sát lớn, ảnh hưởng đến mô-tơ và cơ cấu cần gạt đồng thời có khả năng làm trầy xước kính lái.
Gioăng kính cửa sổ
Trong điều kiện sử dụng lý tưởng, gioăng kính lái và kính cửa sổ bằng cao su sau 7-10 năm vẫn còn tốt, không cần phải thay thế. Tuy nhiên, với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam thì các chi tiết cao su ở phần ngoại thất rất dễ bị xuống cấp nhanh chóng, tạo nên tiếng kêu khó chịu do kính cửa đóng không còn chặt như lúc đầu. Do đó, trong quá trình sử dụng, bạn cần chú ý khi kính cửa sổ bị bụi bẩn bám nhiều. Bạn không nên kéo kính lên/xuống nhiều để tránh chất bẩn bị đẩy xuống, bám vào khiến gioăng cao su hư hại.
Sơn ngoại thất
Không tính đến vấn đề va chạm, trong quá trình sử dụng xe vẫn bị xước sơn sau do rửa không đúng kỹ thuật hoặc dùng khăn lau xe khi trên xe có nhiều bụi bẩn. Vì thế, bạn chỉ nên lau xe sau khi rửa sạch bởi bụi bẩn sẽ bám vào khăn và tạo độ ma sát khi tiếp xúc với phần vỏ dẫn đến xước sơn.