Motorsport»Tin tức»Ô tô»Malaysia khó bán xe điện hạng sang vì đắt, thiếu trạm sạc

Malaysia khó bán xe điện hạng sang vì đắt, thiếu trạm sạc

00:02 - 24/05/2024

Đa số xe điện tại Malaysia thuộc phân khúc cao cấp, và việc thiếu trạm sạc khiến người dân chậm chuyển đổi qua xe điện trong những năm gần đây.

Nhu cầu về xe điện tại Malaysia dự kiến sẽ trì trệ trong năm tới, do những người có thu nhập cao đã mua ôtô mới, và người dân nơi đây đang phải đối mặt với tình trạng giá xe tăng cao, cùng với đó là nỗi lo lắng về việc thiếu các điểm sạc cho xe điện, theo các chuyên gia trong ngành cho biết.

Thị trường ôtô Malaysia tăng trưởng mạnh vào năm 2023, với tổng doanh số tăng gần 11% so với năm trước đó. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ hiệp hội ôtô Malaysia (MAA), xe điện chỉ chiếm 10.159 chiếc, tương đương 1% trong số gần 800.000 phương tiện mới được bán ra thị trường vào năm ngoái.

“Doanh số bán xe điện đang đình trệ. Điều quan trọng nhất đối với người tiêu dùng là xe điện giá phải chăng. Nhiều người nói rằng họ sẽ mua một chiếc xe điện nếu nó nằm trong khoảng 70.000-80.000 ringgit (14.941-17.066 USD). Bất cứ thứ gì trên 100.000 ringgit đều là quá đắt đối với họ”, David Tiah, kỹ sư cấp cao của Smart Malaysia, một trong số hàng chục nhà sản xuất ôtô có mặt Triển lãm ô tô Malaysia 2024, cho biết.

Một trạm sạc xe điện tại Malaysia. Ảnh: Piston.my

Theo đại diện của một thương hiệu Trung Quốc tại Malaysia, tính chất cao cấp của thị trường xe điện đã thu hẹp tệp khách hàng, họ là những người có đủ tài chính, và lựa chọn xe điện là chiếc xe thứ 2 hoặc 3, thay vì mua xe điện là chiếc xe đầu tiên.

Chính quyền Malaysia đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là chuyển đổi 15% số phương tiện trên đường phố sang xe điện vào năm 2030, một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm thu hút các thương hiệu quốc tế, bao gồm Tesla, thiết lập sản xuất tại nước này.

Ông Tiah cho rằng hầu hết xe điện tại thị trường Malaysia vẫn thuộc phân khúc cao cấp, tuy nhiên đây là lúc chính phủ cần tăng cường thuyết phục người dân về lợi ích của việc chuyển sang xe điện, chẳng hạn như giảm ô nhiễm, và dần có các lựa chọn rẻ hơn được tung ra thị trường.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng sạc cũng cần được triển khai tích cực hơn để giải quyết nỗi lo chung của người dân, khi xe điện là thứ mới mẻ, nhiều người không biết rõ liệu xe có đủ điện để đưa họ đến đích hay không.

Lễ ra mắt xe điện Tesla Model Y tại Pavillion ở Kuala Lumpur vào tháng 7/2023. Ảnh: Malaymail

Một chuyên gia trong ngành cho biết: “Đó là vấn đề con gà và quả trứng, cho dù bạn muốn xây dựng cơ sở hạ tầng dựa trên nhu cầu hay sử dụng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nhu cầu. Điều này phụ thuộc vào các ưu đãi của chính phủ, và rất nhiều sự thúc đẩy của cả chính phủ và các bên trong ngành”.

Năm ngoái, chính phủ đã đặt mục tiêu cho Perodua, nhà sản xuất ôtô nội địa lớn nhất Malaysia tính theo doanh số bán hàng, và thương hiệu nội địa Proton, sẽ ra mắt xe điện vào năm 2025, hướng tới mục tiêu 15% thị phần vào năm 2030.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu của chính phủ Thái Lan, trung tâm ôtô của Đông Nam Á, mức tiêu thụ xe điện tăng 684% vào năm 2023, với tổng doanh số là 78.314 chiếc so với 9.729 chiếc của năm trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng này phụ thuộc nhiều vào các khoản trợ cấp và giảm thuế đối với xe điện. Nhưng xe điện vẫn chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số 44 triệu phương tiện tại nơi đây.

Link bài gốc
Theo Người Đưa Tin Copy Link