Từ 5/10, những trạm dừng nghỉ xây mới trên các tuyến cao tốc, quốc lộ hoặc đường tỉnh phải có trạm sạc cho xe điện. Đây là quy định mới thuộc Thông tư 09/2024 của Bộ GTVT vừa ban hành.
Không chỉ trạm sạc, trạm dừng nghỉ loại 1 và loại 2 phải có số vị trí đỗ cho xe điện vào sạc chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe. Việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư.
Trạm dừng nghỉ loại 1 có diện tích từ 10.000 m2 trở lên, khu vực đỗ xe rộng khoảng 5.000 m2 trở lên. Loại 2 có diện tích khai thác tối thiểu từ 5.000 m2 trở lên, bãi đỗ từ 2.500 m2 trở lên. Các trạm dừng nghỉ loại 1, 2 thường bố trí trên các tuyến cao tốc hoặc quốc lộ lớn.
Với các trạm dừng loại 3, 4 có diện tích khai thác tối thiểu lần lượt từ 3.000 m2 và 1.000 m2 trở lên, yêu cầu về số vị trí đỗ xe điện chiếm 10% bãi xe dừng ở mức “khuyến khích có”.
Với những trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác trước ngày Thông tư có hiệu lực, chủ sở hữu phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình, bao gồm trạm sạc và khu vực đỗ cho xe điện theo quy chuẩn trước ngày 1/1/2027.
Yêu cầu lắp trụ sạc nhưng cơ quan chức năng chưa quy định rõ quy chuẩn nguồn sạc như thế nào, sạc nhanh hay chậm, một chiều (DC) hay xoay chiều (AC).
Quy định trước đây không yêu cầu các trạm dừng nghỉ bố trí trụ sạc hay dành khu vực đỗ xe riêng cho xe điện có nhu cầu sạc. Với thông tư mới, hệ thống trạm sạc sẽ được mở rộng và đồng bộ hơn, giúp các chủ xe điện chủ động hơn trong những hành trình dài. Với xe điện, thách thức không chỉ ở giá bán, thời gian sạc mà còn ở mạng lưới trạm sạc chưa rộng khắp và tiện dụng như trạm xăng, dầu truyền thống.
Những năm qua tại Việt Nam, việc phát triển trạm sạc hầu như chỉ có VinFast theo đuổi và triển khai rộng rãi nhất. Hãng cho biết hạ tầng trạm sạc công cộng của công ty đã hiện diện tại 80 trong tổng số 85 thành phố trên cả nước (tính đến tháng 10/2023) với số lượng hơn 150.000 cổng sạc. Theo VinFast, khoảng cách di chuyển giữa 2 trạm sạc tại khu vực các thành phố không quá 3,5 km.
Ngoài VinFast, những hãng xe sang châu Âu như Porsche, Mercedes, Audi cũng có các trạm sạc công cộng nhưng số lượng rất nhỏ so với VinFast. Theo các chuyên gia, việc xây dựng trạm sạc không chỉ của một hãng riêng lẻ nào đó mà là của số đông và các công ty cung cấp hạ tầng sạc.
“Nhà nước nắm vai trò điều phối, đưa ra các quy định chung về trạm sạc, chuẩn sạc để tạo nên một mạng lưới rộng, khoa học, đồng bộ”, ông Trung Hiếu, cựu giám đốc phát triển kinh doanh một công ty chuyên về cung cấp hạ tầng và giải pháp sạc cho xe điện, nói. “Nhưng các hãng có tham gia hay không, hoặc ở mức độ nào còn tùy vào tầm nhìn và kế hoạch kinh doanh của họ”.
Thị trường xe điện tại Việt Nam những năm qua là cuộc chơi riêng của VinFast. Trong quý I, doanh số của VinFast khoảng gần 8.200 xe điện, thuộc những hãng bán nhiều xe nhất toàn thị trường ôtô Việt Nam. Một số hãng xe sang châu Âu như Mercedes, Audi, Porsche cũng bán xe điện. Mảng xe phổ thông có Hyundai với mẫu Ioniq 5 và một số thương hiệu Trung Quốc như Hongqi, Wuling. Nhưng doanh số các hãng này đều không đáng kể so với VinFast.
Phần lớn các hãng xe còn lại trên thị trường đều cho rằng đây chưa phải thời điểm chín muồi để đưa xe điện về bán tại Việt Nam. Toyota, Honda, Nissan, Suzuki… chọn xe hybrid và xem đây như giải pháp phù hợp hơn với hạ tầng giao thông và thói quen sử dụng xe của người Việt.