Ban Tổ chức Triển lãm Ô tô Việt Nam (Vietnam Motor Show) 2024 vẫn chưa thể thuyết phục được một số hãng xe tham gia chương trình dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Mặc dù cố gắng tổ chức triển lãm sau 1 năm gián đoạn song nếu số lượng hãng rút lui quá nhiều, các hiệp hội ô tô sẽ phải họp bàn để đưa ra quyết định cuối cùng.
Trước năm 2018, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) hằng năm đều tổ chức triển lãm ô tô của riêng mình. Trong đó, VAMA bắt đầu tổ chức triển lãm từ năm 2002, còn VIVA từ năm 2015.
Từ năm 2015 – 2017, tuy mỗi năm có đến 2 triển lãm ô tô song quy mô còn nhỏ, không tập trung được nhiều hãng xe, chưa thu hút được đông đảo khách hàng nên hiệu quả chưa cao. Đến năm 2018, 2 hiệp hội thống nhất gộp 2 triển lãm thành 1 với tên Vietnam Motor Show.
Trong những năm đầu tổ chức Vietnam Motor Show, rất nhiều hãng xe trong nước và nước ngoài tham gia triển lãm như Nissan, Suzuki, Daewo, Isuzu, Land Rover, Maserati, Jaguar, Subaru… Tuy nhiên, một thời gian sau, nhiều hãng dần mất bóng. Nguyên nhân, theo các hãng xe, là do chi phí tham gia quá tốn kém trong khi hiệu quả mang lại rất khiêm tốn. “Tùy theo quy mô tổ chức của từng hãng mà chi phí cho mỗi gian hàng trưng bày ô tô thấp nhất cũng từ 5 – 7 tỉ đồng, có khi đến hơn 10 tỉ đồng” – đại diện một hãng ô tô cho hay.
Năm nay, hãng xe sang Audi – một trong những hãng thường xuyên tham gia Vietnam Motor Show – xác nhận không tiếp tục đồng hành với triển lãm nữa. Một số hãng khác như Jeep, Brabus… cũng nói lời chia tay sân chơi này.
Ông Phương Anh Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JVA TP HCM (phân phối xe Jeep tại thị trường Việt Nam), giải thích vì doanh nghiệp phải sắp xếp lại một số hoạt động và tập trung vào việc mở showroom nên không thể tham gia triển lãm. “Năm 2022, chúng tôi tham gia nhưng không bán được chiếc xe nào tại triển lãm. Trong khi đó, chi phí tham gia lên đến 7 – 8 tỉ đồng, chưa kể trả thêm 1 tỉ đồng tiền điện được tính riêng” – ông Phát cho biết.
Đại diện hãng Audi, Land Rover Việt Nam cũng nói rằng chi phí tham gia triển lãm quá tốn kém – hàng trăm ngàn USD – nên năm nay quyết định không tham gia.
Các hãng ô tô cũng nhận xét khâu tổ chức Vietnam Motor Show chưa thật sự bài bản, khoa học. Đặc biệt, một số hãng xe hạng sang cho rằng việc gộp chung gian hàng của thương hiệu xe sang với xe phổ thông, xe thương mại vào một khu vực triển lãm sẽ rất khó cho khách hàng mục tiêu tiếp cận sản phẩm. “Thành phần khách hàng không có sự chọn lọc, đa số khách đến để chơi, tham quan chứ không phải là đối tượng mua xe. Hơn nữa, cách thức tổ chức không tạo được sự mới mẻ, khác biệt giữa các phân khúc để thu hút khách hàng trọng tâm” – một hãng xe nêu lý do không tham gia triển lãm.
Lãnh đạo một hãng xe lớn nhận xét hình thức tham gia triển lãm chỉ còn phù hợp với những thương hiệu mới bắt đầu tham gia thị trường, còn thương hiệu đã hiện diện nhiều năm thì không cần thiết. “Với chi phí tương đương, chúng tôi có thể tự tổ chức những chương trình riêng để thu hút đúng đối tượng khách hàng. Thậm chí, hãng không làm những chương trình quá lớn nhưng vẫn đạt hiệu quả tối ưu” – đại diện một hãng ô tô so sánh.
Trong khi triển lãm ô tô trong nước mất dần sức hấp dẫn thì triển lãm tại một số nước xung quanh, ví dụ Thái Lan, lại thành công về mọi mặt khi quy tụ được đầy đủ các hãng xe, tổ chức chuyên nghiệp, quy mô lớn, truyền thông tốt, thu hút không chỉ khách hàng trong nước mà còn khách quốc tế.