Volkswagen Teramont còn có tên gọi Atlas tại một số thị trường, có kích thước khá lớn, hơn hẳn mẫu xe “anh cả” hiện tại của hãng tại thị trường Việt Nam là Touareg vốn cũng có kích thước khá to. Kích thước cụ thể của mẫu xe này (DxRxC) lần lượt là 5037 x 1989 x 1778 (mm) với chiều dài cơ sở đạt mức 2979 (mm). Mẫu xe được đưa về Việt Nam trong thời gian này là phiên bản nâng cấp được ra mắt vào năm ngoái. Teramont facelift có ngoại hình tương đồng với Tiguan Allspace và Touareg mới với đèn chiếu sáng LED là trang bị tiêu chuẩn.
Nội thất của Volkswagen Teramont khá rộng rãi với kết cấu gồm 3 hàng ghế và 7 chỗ ngồi. Một số trang bị đáng chú ý trong xe gồm màn hình kỹ thuật số sau vô-lăng, màn hình trung tâm 8 inch, điều hòa tự động 3 vùng, âm thanh 8 loa, cửa sổ trời toàn cảnh…
Hiện tại các trang bị cụ thể cho mẫu xe này vẫn chưa được công bố, nhưng khả năng xe sẽ được cung cấp động cơ 4 xy-lanh 2.0L tiêu chuẩn, sản sinh công suất 235 mã lực và mô-men xoắn 363 Nm, kết hợp với hộp số tự động 8 cấp và hệ dẫn động 4 bánh 4Motion.
Đối thủ của mẫu xe này đang được bán tại Việt Nam sẽ gồm có Toyota LandCruiser Prado và Ford Explorer, trong đó mẫu xe SUV hầm hố của Mỹ cũng sẽ ra mắt thế hệ mới ngay trong năm nay.
Với T-Cross, nếu được bán ra, mẫu xe này sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ trong phân khúc SUV hạng B như Mazda CX-3, Peugeot 2008, Kia Seltos hay Toyota Corolla Cross… T-Cross mang thiết kế trông khá linh hoạt và đậm chất đô thị với hệ thống đèn pha vuông vắn, lưới tản nhiệt kích thước lớn đi cùng với một số chi tiết mạ chrome tăng tính thẩm mỹ. Phía sau, đèn hậu dạng LED có họa tiết khá hiện đại.
Xe được xây dựng trên cùng nền tảng với mẫu sedan hạng B của hãng: Polo, bởi vậy nên mẫu xe này có kích thước khá tương đồng cụ thể (DxRxC) lần lượt là 4.107 x 1.760 x 1.558 mm với trục cơ sở dài 2.560 mm. Giống với Polo, chiếc T-Cross này cũng chỉ có 5 chỗ ngồi.
Ở phần nội thất bên trong, T-Cross được Volkswagen trang bị khá nhiều với bảng điều khiển quen thuộc tích hợp đèn viền nội thất, màn hình kỹ thuật số hiển thị thông tin 10,2inch. Màn hình giải trí trung tâm có kích thước 8inch được điều khiển bằng cảm ứng. Ngoài ra, T-Cross có tới 4 cổng kết nối USB và một khu vực sạc không dây. Về các công nghệ an toàn, T-Cross được cung cấp khá nhiều những tiện ích gồm hệ thống cảnh báo điểm mù, hỗ trợ cảnh báo vượt, phát hiện người đi bộ, hỗ trợ giữ làn đường, phanh tự động khẩn cấp, và hỗ trợ khởi hành ngang dốc.
Theo thông báo từ nhà sản xuất, phiên bản Volkswagen T-Cross cho thị trường Việt Nam nhiều khả năng được trang bị động cơ 3 xy-lanh tăng áp TSI, dung tích 1.0L, cho công suất 113 mã lực và mô-men xoắn 200 Nm, kết hợp số tự động ly hợp kép 7 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Mẫu xe này dự kiến được đưa về Việt Nam theo diện nhập khẩu, nhiều khả năng từ hai thị trường gần gũi là Ấn Độ và Trung Quốc.
Hiện giá bán của cả hai mẫu xe vẫn chưa được tiết lộ, nhưng dựa theo chính sách giá mà Volkswagen đang áp dụng cho các mẫu xe tại Việt Nam cũng như việc đưa hai mẫu xe về theo dạng nhập khẩu, nhiều khả năng giá thành của hai mẫu xe này cũng khá đắt đỏ.
Theo NDT