Tờ CNN đưa tin, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 công bố hôm thứ 5 tuần trước, Fisker, công ty xe điện do nhà thiết kế ô tô Henrik Fisker thành lập nói rằng họ có thể không đủ tiền để tồn tại thêm một năm nữa.
Công ty thông báo rằng có “sự nghi ngờ đáng kể về khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của Fisker”. Để có đủ tiền kinh doanh trong 12 tháng tới, công ty sẽ phải huy động thêm tiền từ các nhà đầu tư. Cổ phiếu của Fisker được giao dịch ở mức 75 xu một cổ phiếu vào cuối phiên giao dịch hôm thứ năm và tiếp tục giảm xuống còn hơn 40 xu một chút vào sáng thứ 2.
Cũng trong báo cáo, công ty cho biết đang thảo luận với một nhà đầu tư hiện tại về việc có thể rót thêm tiền vào công ty, nhưng không nêu thêm chi tiết. Fisker cũng sẽ sa thải 15% lực lượng lao động của mình như một nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí.
Fisker lỗ 463,6 triệu USD trong khi thu về 200 triệu USD doanh thu trong quý 4 năm 2023. Con số đó bao gồm khoản điều chỉnh 325 triệu USD liên quan đến trái phiếu chuyển đổi. Khoản lỗ từ hoạt động của công ty là 103,5 triệu USD.
Fisker, công ty bán mẫu SUV chạy điện Ocean, có một mô hình kinh doanh khác thường: Công ty này thuê ngoài hoàn toàn việc sản xuất mẫu xe mà họ hiện đang bán. The Ocean được sản xuất tại Áo bởi Magna, một công ty cũng đã sản xuất xe cho Mercedes-Benz, BMW và Jaguar.
Henrik cho biết trong một thông báo: “Năm 2023 là một năm đầy thử thách đối với Fisker, bao gồm cả sự chậm trễ với các nhà cung cấp và các vấn đề khác khiến chúng tôi không thể cung cấp chiếc Ocean SUV nhanh chóng như mong đợi”.
Năm ngoái, Magna đã sản xuất hơn 10.193 chiếc SUV Fisker, nhưng chưa đến một nửa trong số đó được giao cho khách hàng trong năm dương lịch. Fisker dự kiến sẽ cung cấp khoảng 20.000 chiếc trong năm nay.
Fisker đã không nộp báo cáo thường niên đầy đủ cho năm 2023 bởi họ nói cần thêm thời gian để hoàn thiện báo cáo và sẽ được nộp trước ngày 15/3.
Kế hoạch kinh doanh ban đầu của Fisker là bán hàng trực tiếp cho khách hàng mà không cần đại lý độc lập ở giữa, giống như Tesla. Tuy nhiên, Fisker đã thay đổi chiến lược đó trong năm nay và đã bắt đầu đăng ký các đại lý nhượng quyền. Fisker mới đây cho biết, cho đến nay, công ty đã đăng ký 12 đại lý ở Mỹ và châu Âu.
Fisker là công ty ô tô thứ hai của người sáng lập Henrik Fisker. Công ty đầu tiên của ông, Fisker Automotive, đã sản xuất một chiếc ô tô sang trọng plug-in hybrid có tên Fisker Karma. Công ty đó đã phá sản vào năm 2013.
Hiện tại, cạnh tranh trên thị trường xe điện ngày càng gay gắt khi cả các nhà sản xuất ô tô truyền thống và startup đều nỗ lực lấp đầy các phòng trưng bày. Hàng tồn kho đang bắt đầu tăng lên đối với một số mẫu xe chạy bằng pin. Việc các công ty dẫn đầu thị trường như Tesla quyết định hạ giá bán trong năm nay để kích cầu càng khiến những người chơi mới như Fisker gặp áp lực.
“Sẽ rất thách thức nếu đối đầu với những đối thủ cạnh tranh quy mô lớn. Không một startup nào có tình hình tài chính đủ tốt để tham gia thị trường”, Mark Wakefield, giám đốc điều hành công ty tư vấn AlixPartners cho biết.
Đáp lại, hồi tháng 7/2023, CEO Fisker thừa nhận môi trường hiện tại đã trở nên bớt “thân thiện” với những thương hiệu mới nổi như Fisker. “Sẽ có một cuộc chiến lớn cho người tiêu dùng. ‘Miếng bánh’ ít nhiều sẽ được chia đôi vào năm 2026”, ông nói.
Dẫu vậy, khi ấy vị CEO này vẫn lạc quan rằng chưa quá muộn để Fisker xâm nhập thị trường. Bản thân người mua sẽ khó có thể trung thành tuyệt đối với bất kỳ thương hiệu nào.
Fisker IPO vào năm 2020, trong bối cảnh giới đầu tư rất hào hứng với các công ty khởi nghiệp EV.
Ocean SUV là mẫu đầu tiên trong số 3 phiên bản được Fisker lên kế hoạch cho ra mắt. Chiếc crossover nhỏ hơn, rẻ hơn mang tên PEAR, được dự kiến tung ra thị trường vào đầu năm 2025. Xe bán tải tên Alaska thì được cho là sẽ tung ra vào tháng 8/2023 nhưng cho tới thời điểm này họ đã lỡ hẹn.
Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất xe điện của Fisker vẫn tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Bản thân thương hiệu phải tự nhận thức được điểm mạnh của mình để cạnh tranh với những tên tuổi lâu đời như Tesla hay Lexus.
Chỉ vài tháng trước, giám đốc điều hành công ty cho biết công ty không cần huy động thêm tiền mặt ngay lập tức bởi họ có lợi thế khi tận dụng các nhà sản xuất theo hợp đồng. Dẫu vậy, tình hình hiện tại dường như đã thay đổi khá nhiều.
Theo: CNN