Căn cứ theo tổng hợp của Britannia Rescue – Công ty cứu hộ tại Anh – thì có đến 64 ký hiệu đèn báo lỗi phổ biến trên một chiếc xe với những tông màu là đỏ – vàng – xanh tùy thuộc vào từng mức độ nghiêm trọng của lỗi.
Trong đó, nhóm màu đỏ là cảnh báo nguy hiểm, chủ xe cần kiểm tra ngay lập tức những bộ phận , chi tiết có liên quan tới loại đèn này. Kế tiếp là đèn màu vàng, hiển thị với ý nghĩa cảnh báo hư hỏng cần sửa chữa hoặc nhắc nhở người dùng cần kiểm tra lại thiết bị. Cuối cùng là đèn các màu xanh hoặc trắng mang ý nghĩa hiển thị trạng thái hoạt động của xe, người điều khiển vẫn có thể yên tâm lái xe khi đèn này hiện lên.
Vậy đèn báo nào là đèn mà người điều khiển xe cần lưu tâm nhất? Hãy cùng Motorsport tìm hiểu nhé:
Đèn cảnh báo túi khí sẽ hiện lên khi hệ thống túi khí xảy ra lỗi, khiến cho túi khí không thể hoạt động. Khi đó có thể do túi khí có vấn đề, pin túi khí hết điện, bộ phận cảm biến lỗi hoặc chốt an toàn túi khí gặp sự cố.
Đèn báo lỗi động cơ (Engine) là loại đèn cảnh báo mà người viết chắc chắn cánh lái xe sẽ rất hay gặp. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra ở một số bộ phận trong động cơ. Nhiều phản ánh cho rằng do bugi, mobin hay thậm chí bị chuột cắn dây cũng sẽ hiện đèn này. Khi gặp hiện tượng này, tốt nhất người điều khiển nên sắp xếp để mang ra hãng bảo hành càng sớm càng tốt.
Đèn cảnh báo nhiệt độ hiện lên khi nhiệt độ động cơ đang ở mức cao bất thường; hệ thống làm mát gặp trục trặc hoặc là bộ ổn nhiệt thông gió đang chạy quá tải. Việc cần làm trước tiên là kiểm tra lại bình nước làm mát có ở mức cho phép hay chưa hoặc để máy nghỉ ngơi một lát, nếu sau đó vẫn hiển thị đèn này thì nên gọi cứu hộ ngay tức khắc vì để lâu rất dễ gây cháy nổ.
Đèn báo áp suất dầu bôi trơn xuất hiện khi áp suất dầu trong động cơ ở mức cảnh báo; bơm dầu bị tắc; dùng sai loại dầu xe. Việc không sử dụng đúng loại dầu hoặc bộ phận bơm dầu hỏng sẽ khiến khả năng vận hành của động cơ dễ hỏng hóc vì không được dầu bôi trơn đều đặn.
Đèn cảnh báo phanh tay sẽ hiển thị khi người điều khiển chưa hạ phanh tay trước khi di chuyển. Hoặc có thể do công tắc trên phanh đang bị cài đặt sai hay bị rò rỉ dầu phanh cũng là lý do khiến đèn này hiện lên. Riêng với trường hợp rò rỉ dầu phanh, cần được mang xe tới garage để xử lý ngay lập tức.
Mỗi dòng xe đều sẽ có những đèn xe báo lỗi phổ biến riêng, bởi hãng mẹ đã nghiên cứu triệt để những lỗi có thể xảy ra nhưng chung quy lại là 64 ký hiệu phổ biến đã đề cập ở trên. Hy vọng bài viết phần nào giúp cho người điều khiển có thể yên tâm và chủ động hơn trong quá trình sử dụng ô tô.