Từ “Tuần lễ BYD – Technology Green Future” với điểm nhấn là sự kiện lái thử lần đầu tiên kéo dài 05 ngày vào trung tuần tháng 6 cho đến buổi lễ chính thức ra mắt ngày 18/7 vừa qua, có thể nói cái tên BYD đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người yêu xe Việt. Cần phải nhớ rằng đây là hãng xe luôn tự khoe rằng mình là số 1 trên thế giới về doanh số ở thời điểm hiện tại, mang đến rất nhiều tiềm năng phát triển cùng dải phẩm đa dạng, sẵn sàng để tạo một cú hích lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng chính thức xuất hiện, có vẻ như những nỗ lực trong việc tiếp cận khách hàng của BYD vẫn chưa được tương xứng với tầm vóc số 1, đảm bảo niềm tin về cam kết phát triển lâu dài ở Việt Nam.
Hệ thống showroom phát triển không đúng tiến độ
Việc phát triển kênh phân phối thông qua đại lý, showroom không chỉ mang sản phẩm đến gần hơn với người dùng, nhất là với mặt hàng như ô tô, một thứ mà chắc chắn chỉ có thể mua được thông qua các trải nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, việc sở hữu hệ thống đại lý, showroom, xưởng dịch vụ lớn, có độ bao phủ rộng khắp còn giúp tăng cường tính nhận diện của thương hiệu, thể hiện mục tiêu phát triển bền vững, góp phần tạo dựng niềm tin đối với khách hàng. Đây là điều mà một nhà sản xuất lớn như BYD rất thấu hiểu và thành thạo khi nó là yếu tố mang đến thành công cho thương hiệu này tại thị trường Thái Lan trong thời gian vừa qua.
Còn tại Việt Nam, trong sự kiện ra mắt, đại diện của BYD cũng đồng thời đưa ra chiến lược cũng như kế hoạch phát triển đại lý đầy tiềm năng. Theo đó, đến ngày 18/7 (ngày ra mắt chính thức), BYD đã có 36 đại lý đồng thời đặt mục tiêu phát triển được 50 đại lý đến hết năm 2024 và phấn đấu sẽ có 70 đại lý trong năm 2025 và 100 đại lý trong năm 2026. Đây được xem là một chiến lược phát triển khá mạnh mẽ, được tính toán kỹ lưỡng nhằm đáp ứng lộ trình dài hạn của hãng xe này khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, chỉ có 16/36 đại lý đã đi vào hoạt động cho tới thời điểm này, còn số đại lý đang xây dựng lên tới 20. Đáng nói là 36 đại lý theo công bố thực chất chỉ là có cam kết về bồi thường trong trường hợp 2 bên không thực hiện đúng hợp đồng (gọi là LOI – thư bồi thường, viết tắt của Letter of Indemnity) chứ chưa phải là đảm bảo sẽ thực hiện đúng.
Ngay tại TP Hồ Chí Minh, BYD cũng mới chỉ có 3 showroom được đặt rải rác tại các quận 10, Tân Bình cũng như quận 12 dẫn đến việc người dùng khó có thể tiếp cận sản phẩm một cách dễ dàng. Dễ thấy nhất là ngay trong buổi sáng Chủ Nhật tại một showroom BYD, gần như không có bất cứ vị khách nào ghé thăm để xem xe, trái với kỳ vọng về những mẫu xe đang rất “hot” trên mạng.
Không những thế, cơ sở hạ tầng của nhiều cửa hàng, trung tâm dịch vụ sửa chữa hay kho bãi cũng chưa được hoàn thiện một cách bài bản, dẫn đến khả năng hoạt động trở nên kém hiệu quả và ảnh hưởng trực tiếp đến việc bán hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi tại đại lý BYD OWAY Saigon (quận 10, tp Hồ Chí Minh), số lượng đặt cọc các mẫu xe này đạt trên con số 100 tuy nhiên mới chỉ giao được hơn chục xe đến tay khách hàng, trong đó đáng chú ý là toàn bộ khách hàng mua BYD Seal sẽ phải đợi đến ít nhất tháng 9 mới có xe. Bỏ qua các yếu tố người dùng phân vân thì trên thực tế là ngay tại showroom số lượng xe có sẵn cũng rất hạn chế, chỉ có khoảng gần 10 chiếc trong bãi. Vì vậy, nếu người dùng cần có nhiều lựa chọn trang bị màu sắc khác nhau thì việc phải chờ đợi để có xe là điều rất hiển nhiên.
Điều này cũng đặt ra nghi vấn về việc BYD có đang thực sự nghiêm túc và mạnh mẽ đưa sản phẩm vào thị trường hay mới chỉ đang là các động thái thăm dò giống như nhiều nhà sản xuất trước đây. Hoặc cũng không loại trừ khả năng bản thân đại lý vẫn còn khá dè dặt trong câu chuyện đầu tư đẩy mạnh hay chờ đợi những dấu hiệu khởi sắc từ thị trường.
Bài toán trạm sạc: Con gà – quả trứng
Như chúng ta đã biết thì sẽ có 3 cách để sạc điện cho những mẫu xe BYD tại thị trường Việt Nam đó là sạc tại nhà thông qua bộ sạc cầm tay hoặc trụ lắp đặt, sạc tại showroom hoặc các bên đối tác trạm sạc công cộng. Với bộ sạc tại nhà hoặc dạng trụ sạc được lắp đặt nằm trong gói khuyến mãi của BYD thì thực tế sẽ khó mang lại giá trị với người dùng có vị trí để xe ngay tại nhà và có đủ diện tích rộng rãi. Điều này không phù hợp với phần lớn người dùng ở thành phố khi mà tốc độ sạc chậm, cùng với việc khó có thể lắp đặt trụ sạc tại các bãi đỗ xe tư nhân hay dưới hầm chung cư. Do đó, việc sạc tại showroom cũng như trạm sạc bên thứ 3 lựa chọn là lựa chọn tối ưu.
Tuy nhiên, với số lượng showroom còn đang hạn chế, vị trí lại nằm rải rác xa nhau cũng như số lượng súng sạc có thể đáp ứng không nhiều thì lựa chọn này cũng hẳn là giải pháp tốt ở thời điểm hiện tại. Việc phụ thuộc vào các trạm sạc bên thứ 3, với số lượng cũng không phải nhiều, lại bất tiện trong khâu thanh toán với nhiều phần mềm quản lý theo từng hãng cũng khiến người dùng thiếu đi sự thoải mái trong quá trình trải nghiệm. Đó là chưa kể đến giá sạc điện tương đối cao, lên tới 9.000 VNĐ/kWh tại các trạm sạc bên thứ 3.
Trong khi đó, bản thân BYD từng thừa nhận không có kế hoạch trực tiếp phát triển trạm sạc tại thị trường Việt Nam mà phụ thuộc hoàn toàn vào các giải pháp kể trên. Điều này tất nhiên sẽ làm giảm đi sức cạnh tranh cũng như thu hút, đồng thời khiến người dùng khó mà có thể tin tưởng được tuyên bố đầu tư mạnh mẽ lúc ban đầu của hãng.
Độ nhận diện không quá cao
Sau những sự kiện trải nghiệm và quảng bá rầm rộ trước và trong khi xuất hiện, thời gian gần đây BYD dường như “bất động”, khi không có bất cứ hoạt động nào mang tính nổi bật. Phần lớn sự hiện diện của hãng phụ thuộc hoàn toàn vào các sự kiện trải nghiệm đến từ đại lý mang tính nhỏ lẻ và không thực sự đồng nhất. Điều này dẫn đến việc người dùng khó có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm sản phẩm một cách thường xuyên.
Đơn cử như việc người dùng đến showroom xem xe nhưng trong khi đó xe trải nghiệm lại đang ở một sự kiện khác, dẫn đến sự bất tiện. Ngoài ra như đã nói ở trên, hệ thống cửa hàng trưng bày, đại lý cũng còn hạn chế về số lượng cũng như độ bao phủ, khiến người dùng có quan tâm cũng khó tìm được một vị trí thích hợp để trải nghiệm sản phẩm.
Trong một cuộc gặp với truyền thông Việt Nam ngày 25/4 tại trụ sở của hãng ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ông Liu Xue Liang, Tổng giám đốc mảng ôtô của BYD Châu Á – Thái Bình Dương đã chia sẻ về mục tiêu của BYD trong 6 tháng cuối năm 2024 là bán khoảng 5.000 xe, tương đương 900 xe/tháng. Nhưng với những gì đã làm được cho đến hiện tại và chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là hết năm, con số này thực sự khó có thể đạt được.
Trong khi đó, BYD vẫn liên tục nhắc về vị trí số 1 của mình trên thế giới cũng như hành trình xây dựng phong cách xanh, công nghệ pin cốt lõi trong hầu hết các nội dung quảng bá. Tuy nhiên với thị trường Việt Nam, một thị trường mang tính đặc thù rất cao, mục tiêu số 1 thực sự không hề dễ dàng.