Để giữ vững vị thế và hướng đến nâng cao doanh số, ngay từ đầu những tháng đầu năm, nhiều hãng xe đã lựa chọn giảm giá các sản phẩm của mình nhằm kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, một số hãng khác lại có động thái tăng giá do khan hiếm mặt hàng.
Nhìn chung, thị trường ô tô hiện đang ghi nhận sự giảm giá khá đồng đều từ các hãng xe với mức giảm giá trải dài từ 5 đến 80 triệu đồng ở nhiều mẫu xe khác nhau. Mặc dù vậy, vẫn có một số mẫu xe rơi vào tình trạng khan hiếm buộc các hãng xe phải tăng giá nhằm hạn chế nhu cầu mua sắm đến từ khách hàng.
Giảm giá
VinFast vẫn luôn là hãng đi đầu trong việc hỗ trợ người tiêu dùng khi tổng mức ưu đãi dành cho khách hàng luôn ở mức cao 30-150 triệu đồng. Đây là các mức ưu đãi đã được duy trì trong nhiều tháng cho Lux A và SA. Tuy nhiên, sự khác biệt so với các hãng khách chính là sự linh động của hãng khi có thể thay đổi hình thức ưu đãi từ tiền mặt thành voucher giảm giá hoặc phiếu mua hàng.
Tiếp đến là hai hãng Mazda và Hyundai khi mức giảm giá được Mazda áp dụng cho các sản phẩm Mazda3, Mazda6 hay CX-5 dao động trong khoảng từ 30 đến 80 triệu đồng. Hyundai đứng ngay sau khi đang đưa ra mức ưu đãi từ 10 đến 80 triệu đồng dành cho khách hàng mua Kona, Santa Fe và Tucson được sản xuất từ năm 2020.
Với Kia, hãng đang đưa ra mức khuyến mãi áp dụng cho nhiều dòng xe như Morning, Cerato hay Sorento mới ra mắt với mức giảm từ 10-40 triệu đồng. Tuy nhiên, các mẫu Cerato, Santa Fe hay Tucson đều sắp ra phiên bản mới, nên nhiều khả năng mức giảm giá hiện tại sẽ khó lòng thu hút được sự tiếp cận đối với khách hàng.
Ford và Toyota cũng không nằm ngoài cuộc đua giảm giá, tuy nhiên hai thương hiệu này chỉ đưa ra mức ưu đãi dành riêng cho 1-2 sản phẩm như Ford EcoSport giảm 60 triệu, Toyota Rush, Innova được chiết khấu khoảng 40 triệu bao gồm tiền mặt đi kèm các ưu đãi khác.
Dường như một số hãng xe khác Mitsubushi, Honda hay Suzuki vẫn đang nằm ngoài “cuộc chiến” giảm giá lần này khi vẫn giữ nguyên các chương trình hỗ trợ từ nhiều tháng trước như ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho Mitsubishi Attrage, Honda CR-V hay Suzuki XL7. Các mẫu xe còn lại vẫn có mức giảm từ 10-30 triệu đồng đã ổn định trong nhiều tháng.
Nhìn chung thị trường ô tô hiện tại đang có xu hướng vắng vẻ hơn so với cùng kì năm trước. Nguyên nhân được cho có thể từ sự kết thúc chương trình ưu đãi 50% phí trước bạ của Chính phủ khiến khách hàng có tâm lý cân nhắc chờ đợi một chính sách khác. Cùng với đó, đây cũng là thời điểm các hãng công bố kế hoạch phân phối, giới thiệu các mặt hàng sản phẩm mới nên phần đông khách hàng muốn tiếp tục theo dõi chờ đợi các mẫu sản phẩm mới này.
Tăng giá
Ford Ranger và Kia Seltos là hai mẫu xe đang được áp mức giá cao hơn so với niêm yết do sự gia tăng nhu cầu từ khách hàng. Mẫu Kia Seltos được điều chỉnh tăng thêm 10 triệu còn với Ford Ranger tuy không thực hiện tăng giá trực tiếp nhưng yêu cầu khách mua 20-30 triệu đồng phụ kiện nếu muốn lấy xe. Nguyên nhân được cho đến từ tâm lý ưa thích xe nhập khi trong thời gian tới đây Ford Việt Nam sẽ ngừng phân phối dòng sản phẩm Ranger được nhập trực tiếp từ Thái Lan mà thay vào đó là những sản phẩm được lắp ráp trực tiếp ở trong nước.
Đối với các dòng xe cao cấp như BMW hay Mercedes, hãng đã yêu cầu ngừng các chương trình khuyến mãi với mức giảm 40-100 triệu như đầu năm để quay về mức giá niêm yết ban đầu. Theo sự giải thích từ các đại lý, nguyên nhân đến từ dịch Covid-19 khiến các hãng trên toàn cầu đều thiếu linh kiện lắp ráp, dẫn đến nguồn cung giảm, không đủ xe để cung cấp cho các thị trường bao gồm cả Việt Nam.