Cuộc đua song mã cho ngôi số một doanh số xe con toàn thị trường Việt của Toyota và Hyundai diễn ra xuyên suốt trong một thời gian dài. Đến 2024, VinFast chen vào giữa màn cạnh tranh của hai ông lớn này.
VinFast không công bố số liệu bán hàng cụ thể từng thị trường. Theo nguồn tin của VnExpress, lượng bán của hãng tại Việt Nam khoảng 20.000 chiếc sau nửa đầu 2024. So với cùng kỳ 2023 (11.683 xe), doanh số VinFast tăng hơn 70%.
Doanh số toàn cầu của VinFast nửa năm qua là 21.747 xe. Như vậy, Việt Nam vẫn là thị trường chính của hãng xe có nhà máy tại Hải Phòng dù đã hiện diện ở nhiều quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á.
Doanh số của VinFast xấp xỉ lượng bán của Hyundai, thương hiệu được lắp ráp và phân phối bởi tập đoàn Thành Công. Khác VinFast, Hyundai giảm 17% doanh số so với cùng kỳ 2023. Một số mẫu xe chủ lực của hãng Hàn như Santa Fe, Creta không còn giữ được ưu thế số một phân khúc.
Ngôi đầu doanh số toàn thị trường xe con vẫn là cái tên quen thuộc Toyota. Dù các mẫu xe chủ lực như Vios, Corolla Cross, Veloz đều giảm doanh số nhưng dải sản phẩm đa dạng nhất thị trường giúp Toyota “tích tiểu thành đại”.
Khoảng cách hơn 2.000 xe của Toyota với hai đối thủ xếp sau có thể bị san lấp bất cứ lúc nào. So với nửa đầu 2023, doanh số Toyota giảm 16%, thuộc hàng cao nhất thị trường.
Ford ở nhóm giữa bảng xếp hạng doanh số xe con. Trong khi hầu hết các hãng giảm mạnh, doanh số Ford nửa đầu 2024 gần như đứng yên so với cùng kỳ 2023, chỉ giảm 1%.
Các mẫu xe đóng góp thị phần chính của Ford như Ranger, Everest, Territory đang ở thế hệ mới chưa đến 2 năm nên vẫn đang duy trì sức hút tốt. Tuy nhiên, sau các tháng đầu 2024 tăng trưởng mạnh, doanh số Ford chững lại ở các tháng gần đây khi dòng xe chủ lực Ranger bị ảnh hưởng từ thông tin ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp sắp được triển khai, khách hàng trì hoãn việc mua xe.
Mitsubishi là thương hiệu hiếm hoi tăng trưởng doanh số sau 6 tháng đầu 2024. Mức tăng 14% của hãng Nhật chủ yếu nhờ phong độ ổn định của mẫu xe bán chạy nhất phân khúc MPV, Xpander cùng sự xuất hiện của tân binh Xforce. Chỉ mới 3 tháng bán ra, Mitsubishi Xforce chiếm ngôi bán chạy nhất phân khúc CUV cỡ B, nơi các đối thủ Hàn như Kia Seltos, Hyundai Creta thay nhau thống trị trong hơn 3 năm qua.
Kia và Mazda do Trường Hải lắp ráp, phân phối đều giảm doanh số mạnh, lần lượt 19% và 10%. Riêng Kia trước đây thường xuyên ở vị trí thứ 3 trong danh sách các hãng bán chạy nhất thì nay tụt xuống thứ 6. Còn Mazda xếp ngay sau Kia, hiện bán hơn Honda khoảng 2.000 chiếc.
Các dòng xe chủ lực như Seltos, Sonet đều giảm doanh số khiến Kia không có được thứ hạng cao trên thị trường. Mazda sở hữu CX-5 dẫn đầu phân khúc CUV cỡ C nhưng nhiều mẫu khác như Mazda2, Mazda3 giảm doanh số. Dải sản phẩm hầu hết là xe lắp ráp của Kia và Mazda cũng chịu tác động từ tâm lý khách hàng trì hoãn mua xe chờ ưu đãi lệ phí trước bạ của nhà nước.
Doanh số tăng cao nhất thị trường (17%) thuộc về Suzuki. Nửa năm đầu 2023, hãng này gặp khó về nguồn cung, còn cùng kỳ 2024 là giai đoạn xả hàng tồn của hai mẫu xe chủ lực: Ertiga và XL7. Doanh số của hãng Nhật vì thế có sự chênh lệch lớn.