Trong quá trình lái xe, nhiều khi chúng ta sẽ gặp phải những tiếng ồn và rung động khó chịu, gây ra những ức chế đối với tài xế, khiến lái xe không thể tập trung trong việc vận hành và điều khiển chiếc xe. Bởi vậy, để có thể vận hành xe được an toàn và hiệu quả nhất, những vấn đề liên quan đến tiếng ồn và độ rung của xe cần phải loại bỏ sớm nhất có thể.
Để xác định nguồn rung động, cần phối hợp các kỹ thuật theo nhiều cách khác nhau và cách hữu hiệu nhất đó là chạy thử xe và sử dụng các giác quan của con người để xác định vị trí rung ồn đồng thời kết hợp vào đó có thể sử dụng thêm các máy đo độ ồn và độ rung để có thể xác định chính xác cường độ rung ồn.
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rung ồn trong khoang xe như sau:
Hệ thống phanh:
Phanh là một trong những nguyên nhân chính có khả năng gây ra tiếng ồn lớn trong khi di chuyển của xe. Tiếng kêu đặc trưng của hệ thống phanh thường phát ra khi người lái tác động vào bàn đạp phanh.Nguyên nhân chính một phần xuất hiện từ độ mòn của má phanh lâu ngày chưa được kiểm tra và bảo dưỡng lại hệ thống, bôi mỡ vào các vị trí mà nhà sản xuất yêu cầu.
Lốp xe:
Những sự cố rung và lắc khi xe di chuyển thường bắt nguồn ở hệ thống lốp của xe. Thông thường, khi vận hành, hệ thống lốp của xe sẽ có những vị trí bị mòn không đều, làm giảm khả năng vận hành. Bởi vậy, các tài xế sau khi di chuyển đến một ngưỡng cố định sẽ cần phải đảo lốp và thay lốp. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự phân bố không đều trọng lượng lốp gây ra sự rung lắc cho thân xe. Bởi vậy, sau khi thay lốp chúng ta cần đem cả vành xe và lốp xe đi cân bằng động để tránh hiện tượng mất cân bằng động gây nên rung ồn cho xe.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, lốp xe cũng hay gặp phải vật thể lạ bị dính vào bề mặt lốp hoặc gặp phải những hư hỏng gây biến dạng bề mặt lốp dẫn đến sự xuất hiện các tiếng ồn bất thường. Khi gặp trường hợp này, các tài xế cần chủ động kiểm tra lốp xe xem có vật thể lạ hay không và loại bỏ nó.
Góc bánh xe:
Sự chênh lệnh giữa các góc bánh xe nếu không được kiểm tra kĩ càng sẽ dẫn đến sự mất cân bằng lực giữa các lốp xe, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của các rung động. Nếu bất kỳ trị số nào về góc đặt bánh xe không đạt tiêu chuẩn, xe dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các thay đổi của mặt đường khiến cho độ rung có thể tăng lên.
Hư hỏng hệ thống treo và hệ thống lái:
Đây là một trong những hư hỏng đáng chú ý nhất liên quan đến quá trình vận hành an toàn của xe. Bởi vậy, các tài xế cần phải thường xuyên kiểm tra các đòn treo, các bạc lót của hệ thống treo và các bộ giảm chấn của xe xem có hư hỏng gì không với dấu hiệu nhận biết dễ thấy nhất là vấn đề chảy dầu trên các ty đẩy của giảm chấn. Đồng thời cần kiểm tra độ lắc của ổ bi bánh xe, độ rơ của các khớp cầu, các cơ cấu liên kết của hệ thống lái, độ mòn, giập nứt của các cao su trong hệ thống lái. Nếu thấy hư hỏng bất thường nào cần khắc phục ngay, giúp xe loại bỏ sự rung lắc, đồng thời đem lại khả năng vận hành an toàn tốt hơn cho tài xế.
Chân máy cao su:
Với ô tô hiện đại, hệ thống động cơ được kết nối với thân xe thông qua các ụ đỡ bằng cao su (chân máy) để có tác dụng giảm rung động từ động cơ truyền vào thân xe. Nhưng qua thời gian sử dụng, các ụ cao su này bị lão hóa và cứng lại hoặc rách vỡ thì có thể gây ra sự rung lắc được truyền từ động cơ vào thân xe. Đây là một trong những rung động rất dễ nhận biết đối với những tài xế đã sử dụng xe lâu năm. Bởi vậy, khi gặp trường hợp này, các tài xế cần phải nhanh chóng thay những chân máy cao su mới nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất trong vận hành.